Trung tá Nguyễn Bá Hiển - Phó Chủ nhiệm chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 16 (Quân khu 4): Đổi mới hoạt động giáo dục cho ĐVTN
Việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là việc làm hết sức quan trọng của tổ chức Đoàn, nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gần, sát với đoàn viên. Qua đó bồi dưỡng cho ĐVTN về lý tưởng cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, có nhận thức và lối sống đúng đắn, tích cực, phù hợp với giá trị chuẩn mực xã hội.
Trung tá Nguyễn Bá Hiển |
Theo đó, cách làm có thể mời các báo cáo viên, người có sức ảnh hưởng hoặc thành viên trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nói chuyện, tọa đàm, trao đổi với ĐVTN trong các dịp lễ lớn, để khơi dậy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của địa phương, đơn vị, định hướng cho ĐVTN trong công tác, làm chủ công việc, làm chủ bản thân, có kế hoạch rèn luyện và phát huy những thế mạnh cá nhân.
Đồng thời, tổ chức các cuộc hành quân về nguồn để nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa,truyền thống, tăng cường tổ chức các hoạt động thực tiễn, giao lưu, kết nghĩa, tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt. Đôn đốc đoàn viên chi đoàn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Đoàn cấp trên phát động, cũng như các hoạt động phong trào thường xuyên của chi đoàn.
Phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị cho ĐVTN; phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ, ĐVTN. Có cơ chế, chính sách nhằm thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự và phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - Trợ lý Công tác quần chúng, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân): Tạo cơ hội nâng cao hiểu biết, kỹ năng mới
Thực tế hiện nay cho thấy, đội ngũ cán bộ, ĐVTN trong các cơ quan, đơn vị Quân đội còn thiếu và chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc trong thời đại công nghệ số.
Do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để cán bộ, ĐVTN có cơ hội được học tập, trang bị, bổ sung, rèn luyện thêm nhiều kiến thức và kỹ năng, nhất là về thời gian và cơ sở vật chất, các sân chơi bổ ích, thiết thực cho thanh niên.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên |
Một vấn đề còn là rào cản lớn trong việc tiếp cận kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc trong thời đại công nghệ số của thanh niên Quân đội là thời gian, môi trường công tác và quy định về bảo mật, an toàn thông tin.
Tôi đề xuất lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chuyên môn các cấp nghiên cứu, ban hành những quy định mới phù hợp hơn để cán bộ, ĐVTN được có nhiều cơ hội tiếp xúc với những kiến thức, tri thức và kỹ năng mới mà vẫn đảm bảo được các quy định trong Quân đội. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cán bộ, ĐVTN cần nhận thức rõ và hành động đúng trong việc chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân, đây chính là vấn đề cốt lõi và quyết định nhất.
Trung úy Nguyễn Thu Hà - Trợ lý Hậu cần, Ban CHQS Quận Bắc Từ Liêm (BTL Thủ đô Hà Nội): Quan tâm về nguồn lực tổ chức phong trào
Mỗi cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên ở các tổ chức cơ sở Đoàn phải là người có kiến thức tốt để lan tỏa, định hướng, tập hợp ĐVTN trong cơ quan, đơn vị.
Cán bộ Đoàn ở cơ sở chính là cầu nối quan trọng trong giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên. Vì thế, cần bồi dưỡng sâu, kỹ để nâng cao trình độ, kiến thức cho lực lượng này bằng các hình thức dễ tiếp cận, linh động; tiết kiệm thời gian; dễ hiểu, dễ nhớ; thiết thực, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đối với các vấn đề mang tính thời sự, có yếu tố nước ngoài.
Trung úy Nguyễn Thu Hà |
Tài liệu bồi dưỡng cần ngắn gọn, cô đọng, sát với thực tiễn, kịp thời cập nhập các vấn đề mang tính thời sự. Kết hợp hài hòa giữa bồi dưỡng lý thuyết với thực hành, theo phương châm “lấy chất lượng làm chính”.
Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở Đoàn, để họ yên tâm cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết xây dựng các phong trào. Mặt khác, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, quan tâm tạo điều kiện về nguồn lực để tổ chức các phong trào, đây là vấn đề nhiều cán bộ cơ sở Đoàn gặp khó khăn trong triển khai hoạt động Đoàn; tuyên truyền, biểu dương kịp thời các cán bộ Đoàn có cách làm mới, hay, hiệu quả.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Quang Tiến - Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn cơ sở Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng): Tạo nguồn quỹ hoạt động lâu dài
Trước những vấn đề mà Diễn đàn hướng tới, tôi đề xuất đối với các hoạt động, chương trình do Trung ương Đoàn và Ban Thanh niên Quân đội tổ chức, thành phần tham gia có thể mở rộng đến các cấp Đoàn cơ sở, để chúng tôi có điều kiện trực tiếp tiếp thu các nội dung, cách thức triển khai, từ đó áp dụng thực hiện tại đơn vị và trên địa bàn đóng quân.
Hiện nay, tổ chức Đoàn ở cơ sở rất muốn tổ chức, triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí thời gian (nhất là trong các doanh nghiệp), tài chính, phương tiện hỗ trợ. Do đó các hoạt động có phần còn hạn chế, hiệu quả chưa thực sự cao, chưa có nhiều điểm nổi bật.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Quang Tiến |
Đối với tổ chức Đoàn các cấp, có thể thành lập một hoặc nhiều hộ cá thể, đơn vị, doanh nghiệp để sản xuất, thu mua, xuất nhập khẩu (nguồn vốn được hỗ trợ từ tổ chức Đoàn)… các loại mặt hàng, lợi nhuận thu được một phần đóng góp về tổ chức Đoàn đã hỗ trợ để làm nguồn quỹ lâu dài, ổn định cho các hoạt động.
Đồng thời, để thực hiện được các nội dung trên, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện từ cấp ủy, lãnh đạo, chính quyền các cấp để các hoạt động được triển khai thuận lợi, đúng quy định. Tạo điều kiện để tổ chức Đoàn các cấp phát huy năng lực, sức trẻ, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các đối tượng, góp phần xây dựng và phát triển địa phương nói riêng, đất nước nói chung cũng như làm giảm thiểu tệ nạn xã hội.