Chuyên gia Mỹ Roy Smith, người từng tiên báo chính xác giai đoạn suy thoái của Nhật Bản trước khi bong bóng bất động sản đất nước mặt trời mọc vỡ tung cách đó một năm, nay có cái nhìn tương tự về Trung Quốc. “Tính mong manh, dễ tổn thương của Trung Quốc hiện nay rất giống với Nhật Bản trước đây”. Ông Smith, 76 tuổi, giáo sư tài chính tại Đại học New York, nói.
Theo giáo sư Smith, những khoản nợ xấu khổng lồ, thị trường chứng khoán và bất động sản bùng nổ đang bộc phát nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc và gây sức ép đối với hệ thống tài chính mong manh. Những hiện tượng này giống các điều kiện dẫn tới sự đi xuống của kinh tế Nhật Bản thời kỳ trước. Một sự trùng hợp khác là gánh nặng dân số già hóa với chi phí hưu trí và chăm sóc y tế ngày càng cao. Theo giáo sư Smith, trong khi Trung Quốc cố gắng tránh rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài kiểu Nhật Bản, một cuộc khủng hoảng lớn có thể sẽ phơi bày những điểm yếu chưa bộc lộ.
Điểm yếu tiềm ẩn
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 sau 3 thập kỷ tăng trưởng GDP mạnh mẽ. Nhiều người dự báo, cuối cùng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về sản xuất. Tuy nhiên, theo các cách tính khác như thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn thua Mỹ rất xa. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP Trung Quốc năm 2013 vẫn chỉ bằng một nửa so với Nhật Bản vào năm 1960.
Năm 2014, kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm qua. Sự phát triển chậm lại đã làm nổi bật vấn đề nợ nần. Theo tính toán của Viện McKinsey toàn cầu, tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm các khoản vay của gia đình, ngân hàng, chính phủ và doanh nghiệp đã phình lên tới 282% tổng sản phẩm quốc gia vào giữa năm 2014, từ tỷ lệ 121% năm 2000. “Hệ thống tài chính Trung Quốc rất mong manh vì quá nhiều báo cáo sai và sẽ lộ ra nhiều điểm yếu khi sự thật được phơi bày”, giáo sư Smith nói.
Giáo sư David Shambaugh, Giám đốc Chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington (Mỹ) nhận định trên Wall Street Journal ngày 7/3 rằng, kinh tế Trung Quốc đang sa lầy trong hàng loạt bẫy mang tính hệ thống không dễ tìm ra lối thoát. Gói cải cách kinh tế mới đây thách thức quyền lực cố hữu của các nhóm lợi ích như doanh nghiệp nhà nước và quan chức địa phương; các thế lực này rõ ràng đang ngăn việc triển khai các biện pháp cải cách.