Điểm yếu quân sự lớn của Trung Quốc: Chỉ có một căn cứ hải quân ở nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay Trung Quốc có rất nhiều tàu chiến, nhưng không có căn cứ để phái chúng đến.
Hiện nay Trung Quốc có rất nhiều tàu chiến, nhưng không có căn cứ để phái chúng đến.
TPO - Bắc Kinh đã thực hiện đợt mở rộng hải quân lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, và đây cũng là đợt mở rộng hải quân lớn nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hải quân Giải phóng quân Nhân dân (PLAN) hiện đang vận hành hai tàu sân bay trong khi hai tàu sân bay khác đang được đóng và mục tiêu là có sáu nhóm tấn công tàu sân bay hoạt động vào giữa những năm 2030.

 Điều này thực sự sẽ biến PLAN thành một lực lượng hải quân nước xanh, nhưng vẫn còn một vấn đề mà Bắc Kinh cần giải quyết - đó là các căn cứ ở nước ngoài mà từ đó lực lượng toàn cầu của họ có thể triển khai hoạt động. Hiện nay họ có rất nhiều tàu chiến, nhưng không có căn cứ để phái chúng đến.

Như tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đã đưa tin trong tuần này, hải quân Trung Quốc có thể đang thu hẹp khoảng cách với hải quân Mỹ, nhưng cho đến nay, PLAN chỉ có một căn cứ hải quân ở nước ngoài. Mỹ hiện duy trì gần 800 căn cứ quân sự tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Do đó, Bắc Kinh đã rơi vào tình thế chật vật. Căn cứ hải quân ở nước ngoài duy nhất của họ là ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi tại eo biển Bab-el-Mandeb, ngăn cách Vịnh Aden với Biển Đỏ, điểm cốt yếu để bảo vệ các đường tiếp cận đến Kênh đào Suez. Chính sách của Trung Quốc phần lớn đi ngược lại việc thiết lập sự hiện diện ở nước ngoài như vậy. Giờ đây, Trung Quốc đã đảo ngược chính sách đó, có thể hiện diện ở nước ngoài nhiều hơn để bảo vệ các lợi ích trên biển của họ.

Trung Quốc đã có được hạm đội lớn nhất thế giới, và cũng cần có cơ sở hạ tầng ở nước ngoài để bảo vệ và duy trì các tàu chiến. Hoặc thậm chí để thi triển phần lớn sức mạnh ra ngoài bờ biển của Trung Quốc và để bảo vệ cái gọi là "Con đường Tơ lụa" trên biển.

“Thiếu căn cứ ở nước ngoài là một vấn đề đối với Trung Quốc vì Trung Quốc quá phụ thuộc vào thị trường, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên ở các địa điểm xa xôi, chẳng hạn như Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh… Các dự án [và Sáng kiến Vành đai và Con đường] rất dễ bị thiệt hại và gián đoạn, có thể có tác động to lớn đến nền kinh tế Trung Quốc và thế giới”, Timothy Heath, nhà phân tích an ninh cấp cao của hãng tư vấn Rand Corp., nói.

Tuy nhiên, điều đó không dễ như chỉ cần cắm cờ và các chính sách của Trung Quốc đã không tuân theo mô hình hình thành quan hệ đối tác của Mỹ. Bắc Kinh đã không cởi mở với các cam kết giống như liên minh, là một phần của việc duy trì sự hiện diện ở nước ngoài.

Vấn đề khác là khi các công ty thương mại Trung Quốc giành được quyền kiểm soát các cảng ở khắp nơi trên toàn thế giới, đến lượt việc này khiến nhiều quốc gia khác lo lắng. Mối quan tâm là Trung Quốc sẽ duy trì sự hiện diện đến mức nào, và nhiều quốc gia đã bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc cho phép Bắc Kinh giành quyền thống trị ở những khu vực đó.

Châu Trần Minh, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nói rằng chính sách quốc phòng của Bắc Kinh chủ yếu mang tính chất phòng thủ và cho đến gần đây, Trung Quốc hầu như không cần xây dựng các căn cứ ở nước ngoài.

"Lực lượng hải quân mở rộng của Trung Quốc chủ yếu được sử dụng để chống lại các mối đe dọa ở các vùng biển lân cận", ông Châu lưu ý. “Mỹ đã cử nhiều tàu sân bay và máy bay chiến đấu đến Biển Đông, và đôi khi chúng đi qua eo biển Đài Loan, một nơi gần với lục địa Trung Quốc đến mức khiến Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa”.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng hải quân và sự hiện diện ở nước ngoài, họ có thể sẽ tìm kiếm những cách thức mới để thiết lập các căn cứ quân sự, hoặc nếu không, PLAN sẽ chỉ là một lực lượng lớn trong khu vực.

MỚI - NÓNG