Sau gần 7 năm chấp hành án phạt tù tại Trại giam số 5, Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Yên Định), tháng 4/2019, anh Nguyễn Văn Toàn ở xã Nam Giang, (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) trở về đoàn tụ với gia đình.
Những ngày đầu trở về anh Toàn luôn mang trong mình những mặc cảm, tự ti. Thậm chí, anh không dám đi ra ngoài, sợ mọi người bàn tán, xa lánh người vừa ra tù. Những đêm thức trắng nghĩ về tương lai của mình và gia đình cùng với quyết tâm hoàn lương từ những ngày ở trại giam và sự động viên của gia đình, nhất là người vợ luôn bên cạnh, anh Toàn xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Loay hoay với bài toán làm gì để có thể phát triển kinh tế, anh Toàn tìm hiểu thông tin, tham vấn nhiều người và nhận thấy mô hình phát triển kinh tế trang trại gia đình phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Sau đó, anh bàn với vợ vay mượn để đầu tư, phát triển trại lợn sữa ngay tại nhà của mình.
Anh Nguyễn Văn Toàn, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân đã dành toàn bộ số tiền vay vốn tín dụng chính sách đầu tư chăn nuôi lợn, phát triển kinh tế gia đình. |
Nhưng đã có lúc với anh "hành trình hoàn lương" dường như xa hơn khi ý tưởng phát triển trại lợn sữa của gia đình phải cần đến một khoản vốn kha khá, trong khi điều kiện của gia đình anh Toàn thời điểm đó không thể huy động vốn.
Đang lo lắng vì chưa tìm được hướng giải quyết thì cuối năm 2023, Công an huyện Thọ Xuân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành rà soát, thẩm định và quyết định cho anh Nguyễn Văn Toàn vay số tiền 100 triệu đồng để đầu tư, phát triển trại lợn.
Số tiền vốn 100 triệu đồng như chiếc cọc, điểm tựa khởi hành chặng đường hoàn lương, phát triển kinh tế của anh Toàn với gia đình. Đồng thời, nhân thêm quyết tâm, động lực cho anh cùng gia đình xây dựng một cuộc sống hạnh phúc mới hạnh phúc, đủ đầy.
"Số tiền được vay có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình chúng tôi. Chúng tôi đã sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư xây dựng chuồng trại, phục vụ tốt hơn cho việc chăn nuôi lợn của gia đình. Sau khi trang trại hình thành, chúng tôi tập trung mở rộng kiến thức về quy trình chăn nuôi lợn, tìm kiếm thị trường... để bảo đảm nguồn vốn đầu tư của mình phát huy hiệu quả. Hiện nay, đàn lợn giống gần 30 con, gia đình đã bán 17 con và thu về trên 90 triệu đồng"- Anh Toàn cho biết.
Anh Toàn chia sẻ, sai lầm trong quá khứ của tôi không thể xoá được, nhưng tôi nhìn vào đó, để răn mình và phấn đấu cho chặng đường phía trước. Dẫu còn nhiều vất vả, nhưng sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, tổ chức, đoàn thể đã giúp tôi lạc quan hơn, tin tưởng và quyết tâm phấn đấu trong cuộc sống.
Hiểu được tâm lý những người sau khi chấp hành án xong trở về địa phương, thường là mặc cảm, mất tự tin, khó khăn về kinh tế.... Do đó, lực lượng công an các địa phương ngoài thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, còn phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh của từng gia đình người vừa chấp hành án xong để chia sẻ, động viên, tư vấn không chỉ các vấn đề cuộc sống mà gợi ý, định hướng công việc, đồng hành cùng với việc phát triển kinh tế gia đình... Việc đồng hành của lực lượng công an tạo niềm tin cho những người hoàn lương nỗ lực vượt qua khó khăn, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Đỗ Đình Tĩnh, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân sử dụng nguồn vốn vay để phát triển vườn, ao, chuồng đến nay đã cho thu nhập ổn định. |
Cũng như anh Nguyễn Văn Toàn, anh Đỗ Đình Tĩnh ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân phải lĩnh án 26 tháng tù giam tại Trại giam Thanh Phong, Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Nông Cống) về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được người thân tạo điều kiện nhượng lại trang trại tổng hợp, 2 vợ chồng anh quyết định vay mượn, đầu tư phát triển kinh tế. Đầu năm 2024, vợ chồng anh được Công an huyện và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân giải ngân số tiền 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Từ nguồn vốn này, vợ chồng anh Tĩnh đã đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình ổn định.
Theo đó, vợ chồng anh Tĩnh không chỉ chăn nuôi lợn mà còn nuôi thả cá...cung ứng sản phẩm ra thị trường rồi lại quay vòng vốn, đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
"Tôi và gia đình tập trung vào phát triển kinh tế một cách nghiêm túc. Những thành quả có được ban đầu từ sự nỗ lực của bản thân và gia đình đã giúp tôi xóa bỏ dần những mặc cảm, tự tin hơn trên con đường hoàn lương của mình"- Anh Tĩnh chia sẻ và gửi lời cảm ơn tới lực lượng Công an huyện Thọ Xuân đã luôn quan tâm động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ anh làm lại cuộc đời.
Khu nuôi lợn của gia đình anh Đỗ Đình Tĩnh. |
Thượng tá Lê Bá Chân, Phó Trưởng Công an huyện Thọ Xuân, cho biết: Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, Công an huyện đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chính quyền các địa phương rà soát, bình xét những đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, giúp họ có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Thọ Xuân đã giải ngân cho 43 trường hợp, với tổng số tiền đã giải ngân 4,140 tỷ đồng. Qua nắm bắt, các hộ gia đình sau khi được tiếp cận vốn đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu đem lại hiệu quả thu nhập.
Thực hiện chương trình tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay huyện Thọ Xuân đã có 43 trường hợp được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, với số tiền giải ngân 4,140 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, không chỉ giúp những người đã từng lầm lỗi nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm, tự ti mà còn giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, làm lại cuộc đời…