Điểm nóng: Xử lý nợ xấu - không phụ niềm tin!

TP - Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội bấm nút thông qua với tỷ lệ tán thành cao - trên 86%. Đây thực sự là tin vui đối với ngành ngân hàng.

Bởi, với việc ra đời một Nghị  quyết “tháo” vướng về cơ chế này, nợ xấu chính thức có một điểm tựa vững chắc đủ cơ sở “đẩy bật” tảng băng chìm đang cản đường đi của dòng vốn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cung cấp tại kỳ Quốc hội này cho thấy, nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ tiềm ẩn và nợ bán cho VAMC chưa được xử lý thì chiếm tới hơn 10% trên tổng dư nợ, tức khoảng 600 ngàn tỷ đồng. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đoàn Hà Nội, là chủ tịch VietinBank nói rằng trong số 600 ngàn tỷ ấy có đến 90% là tiền của dân, tiền ngân hàng chỉ có 10% và việc xử lý các khoản nợ xấu này sẽ giúp nền kinh tế có thêm vốn làm được rất nhiều việc, đơn cử có thể xây được đến 3 sân bay Long Thành bằng tiền xử lý nợ xấu.

Nếu là người trong cuộc, ai cũng biết thời gian qua, việc xử lý tài sản đảm bảo đã gây khó khăn rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Có tới hơn 70% các khoản cho vay liên quan đến tài sản đảm bảo và các ngân hàng đồng loạt “kêu” việc chậm xử lý tài sản đảm bảo này do vướng mắc các quy định liên quan đến luật làm cho tài sản giảm sút giá trị; Rồi cả việc không cho phép bán nợ dưới giá trị sổ sách khiến ai cũng sợ trách nhiệm và những khoản nợ có tài sản thu hồi cứ thể “đùn lên”. Những điểm mà nghị quyết đã “cởi trói” gỡ ách tắc đó là cho phép thu giữ xử lý tài sản đảm bảo; được cho phép bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách.

Gần 600 ngàn tỷ sẽ được giải phóng nếu tính nợ xấu đến 31/12/2016 như dự kiến trước đó, nay sau khi cân nhắc, Quốc hội đã quyết định nâng thêm thời hạn tính nợ xấu tới 15/8/2017 (những khoản vay đến thời hạn đó mà phát sinh nợ xấu sau này trong 5 năm thực thi nghị quyết), như vậy dự là thêm một khối lượng không nhỏ tiền tỷ nữa thay vì đắp chiếu sẽ được “hồi sinh” trở lại thành tiền, quay vào  ngân hàng rồi quay lại đưa ra sản xuất, và đầu tư các lĩnh vực xã hội, Chính phủ đang ngóng trông.

Nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/8/2017. Nhưng sau tin vui sẽ là trách nhiệm. Với đặc thù là “huyết mạch” dẫn vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng sẽ phải làm sao để thực hiện cho trọn lời hứa trước Chính phủ và Quốc hội- đó là nợ xấu thông qua “điểm tựa” là Nghị quyết phải được xử lý minh bạch; rõ ràng; và đặc biệt không có chuyện “thủ tiêu” trách nhiệm của những người đã gây ra nợ xấu.

Chia sẻ với Tiền Phong, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thừa nhận Nghị quyết thực sự đã mở cánh cửa lớn khơi thông dòng vốn cho ngành. “Chỉ có gỡ cơ chế xử lý được nợ xấu, mới dẫn đến lành mạnh hoá các tổ chức tín dụng, từ đó thực hiện được mục tiêu lớn hơn của Chính phủ, Quốc hội đó là bơm thêm vốn cho nền kinh tế, hạ lãi suất vay ngay khi có thể cho doanh nghiệp, người dân”.

Thống đốc  khẳng định riêng với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát từng bước đi xử lý của mỗi tổ chức tín dụng, chỉ thị tới đây ban hành sẽ đi kèm những điểm nhấn như yêu cầu chặt chẽ trong thực hiện; không để xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý, đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo tinh thần tôn trọng luật pháp và sẽ không phụ niềm tin mà Chính phủ, Quốc hội và cử tri đã gửi gắm vào ngành!

MỚI - NÓNG