'Điểm mặt, chỉ tên' chung cư sai phạm

Nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội tồn tại hàng loạt vi phạm.
Nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội tồn tại hàng loạt vi phạm.
TP - HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành báo cáo 122 trang về kết quả giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố, điểm mặt từng tòa nhà, đơn vị vi phạm.

Chủ đầu tư “cù nhầy”

Kết quả giám sát cho thấy, việc thành lập ban quản trị chung cư còn chậm, đến nay còn 270/688 tòa nhà đã đưa vào sử dụng, cơ bản đã lấp đầy dân cư chưa thành lập ban quản trị. Việc lập, bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư cho ban quản trị thực hiện chậm, đến nay còn 235/418 tòa chưa bàn giao kinh phí bảo trì. Còn 131/418 tòa chưa bàn giao hồ sơ cho Ban quản trị. Cùng với đó, việc phân định sở hữu chung, riêng chưa được thực hiện rõ ràng, triệt để. Đến nay còn 379/688 tòa nhà chung cư chưa xác định được diện tích sở hữu chung, riêng. 110 cụm tòa nhà chung cư chưa bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, nhiều chung cư xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi giữa cư dân với chủ đầu tư. “Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay có khoảng 30 tòa nhà chung cư đang phát sinh tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra còn tiềm ẩn phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi tại nhiều tòa nhà chung cư chưa thành lập Ban quản trị, chưa bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2%, chưa phân định sở hữu chung, riêng theo quy định”, báo cáo nhận định.

Báo cáo chỉ rõ, còn các tồn tại, hạn chế nêu trên, chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, nhiều chủ đầu tư chung cư thương mại chưa thực hiện tốt trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và vận hành nhà chung cư, cố tình trì hoãn kéo dài thời gian tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị; chây ì trong việc phân định sở hữu chung riêng; không công khai và bàn giao diện tích chung, nhà sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị; bàn giao hồ sơ không đúng quy định; thiếu thành phần hồ sơ hoặc xây dựng sai thiết kế được duyệt; không lập tài khoản riêng để tạm quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, quản lý hoặc sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật của một số cư dân là chủ sở hữu căn hộ tại các chung cư còn hạn chế, nhiều cư dân chưa quan tâm đến việc thành lập Ban quản trị, mua căn hộ nhưng chưa đến ở... Một số ban quản trị đã được thành lập nhưng thành viên Ban quản trị hạn chế về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm về xây dựng, kiến trúc, chưa nắm rõ, hiểu chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về nhà ở trong từng giai đoạn nên yêu cầu bàn giao, tiếp nhận hồ sơ không đúng theo quy định dẫn đến không thống nhất được việc bàn giao; một số trường hợp chủ đầu tư đã xác định xong diện tích sở hữu chung, riêng nhưng một số Ban quản trị không thống nhất cố tình đòi diện tích sở hữu chung không hợp pháp do đó khiếu nại kéo dài.

Không đảm bảo PCCC

Đặc biệt, báo cáo giám sát nhấn mạnh, công tác PCCC còn chưa đảm bảo an toàn theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Việc khắc phục các vi phạm về PCCC còn chậm. Đến nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn 188 tòa nhà chung cư không đảm bảo các điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC.

Báo cáo của HĐND cũng nhận định, nhiều chủ đầu tư không chấp hành đúng quy định của pháp luật về PCCC, tự ý thay đổi thiết kế, thay đổi công năng các hạng mục xây dựng, không trang bị đầy đủ theo quy định hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật liên quan, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, nguồn nước chữa cháy không đảm bảo yêu cầu... Đặc biệt, có tình trạng chưa nghiệm thu PCCC, chưa nghiệm thu công trình đã tự ý cho các hộ dân vào sử dụng căn hộ để ở, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền, có các chế tài xử lý các chủ đầu tư, các ban quản trị cố tình vi phạm pháp luật. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương để những vi phạm chậm được giải quyết tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Có các hình thức thi đua khen thưởng và xử lý kỷ luật phù hợp nhằm tạo chuyển biến và có lộ trình cụ thể giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp còn tồn tại.

Báo cáo của HĐND dày 122 trang, chỉ rõ danh mục hàng trăm tòa nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư chưa thành lập ban quản trị; chưa bàn giao hồ sơ; chưa bàn giao quỹ bảo trì; chưa bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng và các tòa nhà đang có tranh chấp, khiếu kiện. Báo cáo cũng nêu danh sách 426 công trình còn tồn tại vi phạm về PCCC trên địa bàn thành phố; các điểm kinh doanh thuộc sở hữu nhà nước sử dụng không đúng quy định phải thu hồi; đơn vị nợ tiền thuê nhà, nợ tiền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ.

MỚI - NÓNG