Cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa thành điểm đen tai nạn
Chiều 11/1, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ, ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) đã thông tin về một điểm đen tai nạn mới ở TPHCM.
Thống kê trong năm 2023, trên cầu vượt thép tại nút giao Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người chết và một người bị thương. Nguyên nhân các vụ tai nạn là do vi phạm nồng độ cồn và không chú ý quan sát dẫn đến tự gây tai nạn.
Cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình) thành điểm đen tai nạn mới tại TPHCM. Ảnh: Hữu Huy |
Hiện các cơ quan liên quan của thành phố đã thống nhất công bố phát sinh điểm đen mới trên cầu vượt thép tại nút giao Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám.
Sở GTVT đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp xử lý kỹ thuật đối với điểm đen nêu trên như sau: Lắp đặt bổ sung các biển cảnh báo “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn”, “Đi chậm”; Dán màng phản quang trên khung lan can cầu giúp định hướng lưu thông cho phương tiện; Tăng khoảng cách giữa vạch giới hạn phần mặt cầu dành cho lưu thông và lan can cầu để giảm nguy cơ phương tiện va chạm vào lan can cầu. Cùng với đó, Sở Xây dựng đã triển khai lắp đặt hệ thống trụ chiếu sáng tầm cao thay thế cho hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED trên lan can cầu.
Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp như: Lắp đặt camera quan sát giao thông và xử lý vi phạm; Bổ sung vạch sơn giảm tốc trước khi tách nhập làn lên xuống cầu; Bổ sung biển báo tuyên truyền an toàn giao thông trực quan bằng hình ảnh.
Thu phí vỉa hè để đảm bảo minh bạch
Về vấn đề thu phí vỉa hè, ông Đường cho biết mục tiêu chính của việc này là góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Việc thu phí cũng nhằm đảm bảo trật tự giao thông, khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với đặc thù đô thị TPHCM.
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) trả lời họp báo chiều 11/1. Ảnh: Thành Nhân |
Ở góc độ pháp lý, ông Đường phân tích các văn bản pháp lý quy định lòng đường, hè phố có chức năng chính là phục vụ giao thông. Ngoài chức năng nêu trên, lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông khi được cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận thông qua phương án sử dụng và thu, nộp phí sử dụng theo quy định.
Hiện nay, các quận, huyện triển khai thực hiện rà soát danh mục các tuyến đường đủ điều kiện để thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông. Đồng thời, các địa phương đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi ban hành danh mục, công bố công khai và tổ chức cấp phép, thông qua phương án thu phí.
Theo Đại diện UBND quận 3, trước đây, nhiều hè phố trên địa bàn đã kẻ vạch khu vực đậu xe gắn máy tự quản để đảm bảo phần lề đường cho người đi bộ, khắc phục tình trạng lộn xộn, nhếch nhác. Khi có các quy định pháp lý rõ ràng, người dân cũng hiểu rõ và chung tay cùng chính quyền địa phương sử dụng vỉa hè có trật tự hơn.
UBND quận 3 đã triển khai cho các phường lấy ý kiến ban, ngành, đoàn thể và người dân trực tiếp sử dụng vỉa hè. Hơn 80% ý kiến đã đồng ý với các phương án sử dụng vỉa hè theo quyết định của UBND TPHCM.
UBND quận 3 đã xây dựng danh mục 36 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán, điểm để xe 2 bánh không thu tiền trông giữ và điểm trông, giữ xe có thu phí, điểm trung chuyển phế liệu, vật liệu phục vụ thi công công trình. Các phường sẽ tổ chức các hội nghị góp ý, phản biện trước khi ban hành danh mục và niêm yết công khai.