Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ngày 24/11 đang khiến dư luận thế giới sửng sốt. Vụ việc bị Tổng thống Nga Putin tuyên bố là hành động “đâm sau lưng”, “phản bội” và “ngu ngốc”, nhưng nó cũng đồng thời cho thấy quan điểm cứng rắn, quyết liệt và không ngại đối đầu Nga của chính quyền Ankara. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO duy nhất bắn rơi máy bay Nga kể từ khi liên minh quân sự này ra đời.
Theo tờ National Intererest, với việc gây sức ép lên lực lượng Không quân Nga tại Syria, Ankara muốn trấn an các nhóm chiến binh được nước này hẫu thuẫn trong cuộc chiến chống lại chính quyền Tổng thống Assad, sau các cuộc không kích của Nga.
Nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự toàn diện giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cả hai bên cũng như các nhà phân tích bác bỏ. Điều này một phần vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, mặt khác vì Nga có sức mạnh quân sự vượt trội (Nga xếp hạng 2 thế giới về sức mạnh quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng 10, theo xếp hạng năm 2015 của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm). Một cuộc xung đột như vậy nếu xảy ra sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ chịu tổn thất lớn. Dù vậy, nước này cũng có những hệ thống vũ khí đáng nể.
Chiến đấu cơ F-16 và tên lửa không đối không AIM-120
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có gần 250 chiến đấu cơ F-16, cùng loại với chiến đấu cơ đã bắn rơi chiếc Su-24 của Nga. 30 chiếc trong số này thuộc nhóm Block 50+, biến thể mới nhất của F-16. Đây là mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ 4 với hiệu quả chiến đấu đã được kiểm chứng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tự sản xuất F-16 theo giấy phép được Mỹ cấp, và có nhiều phiên bản F-16 khác nhau trong biên chế từ giữa những năm 1980. Điều này giúp Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có bề dày kỹ năng và kinh nghiệm với mẫu chiến đấu cơ này trong mọi bối cảnh tác chiến.
Đi kèm với F-16 là tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 do Mỹ sản xuất. Với tầm bắn gần 50km, AIM-120 khiến F-16 trở thành mối đe dọa nguy hiểm với các máy bay Nga.
Hệ thống gây nhiễu mặt đất KORAL
Hệ thống gây nhiễu radar cơ động KORAL là khí tài mới nhất được bổ sung cho năng lực tác chiến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ. Được thiết kế và sản xuất trong nước, hệ thống phòng thủ/tấn công điện tử này có khả năng làm nhiễu và đánh lừa các radar thông thường cũng như tinh vi của đối phương. KORAL đồng thời có thể phân tích nhiều tín hiệu mục tiêu theo nhiều dải tần số, tự động phát đi phản ứng thích hợp nhờ bộ nhớ tần số radio kỹ thuật số (DRFM).
Hệ thống tác chiến điện tử AselsanKORAL (Ảnh: sdarabia)
Có tầm hoạt động hiệu quả khoảng 150km, KORAL được khẳng định có thể làm nhiễu và đánh lừa bất kỳ hệ thống radar trên bộ, trên biển và trên không nào. Hệ thống mới này có thể làm giảm khả năng nhận biết tình huống của Nga, và gây “mù” cho các hệ thống vũ khí.
Tàu ngầm lớp Gur
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu 4 tàu ngầm lớp Gur, vốn được xem như một trong những loại tàu ngầm diesel-điện tốt nhất thế giới. Ra đời dựa trên mẫu Type 209 T2/1400 của Đức, tàu ngầm Gur được trang bị các tên lửa đối hạm Harpoon (UGM-84) cũng như các ngư lôi hạng nặng Tigerfish của Anh và DM2A4 của Đức.
Tàu ngầm Type 209 T2/1400 (Ảnh: Wiki)
Tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ cũng được trang bị các hệ thống phát hiện và bắt mục tiêu tối tân, khiến chúng trở thành những tay thợ săn im lặng và nguy hiểm chết người cho các tàu mặt nước Nga tại Địa Trung Hải. Với việc lực lượng hải quân Nga tại Syria thiếu vắng năng lực tác chiến chống ngầm, các tàu ngầm Gur sẽ là đòn bẩy uy lực của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tàu tuần tiễu tàng hình lớp Ada
Chiến hạm lớp Ada của Thổ Nhĩ Kỳ là một vũ khí lợi hại trên biển nữa có thể gây khó khăn cho các nhóm tàu mặt nước và hậu cần Nga trên Địa Trung Hải.
Chiến hạm lớp Ada của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Youtube)
Được thiết kế và sản xuất trong nước, Ada được trang bị 8 tên lửa Harpoon Block II, đại bác siêu nhanh OtoMelara 76,2mm cùng nhiều vũ khí khác. Ada có tính năng tàng hình cao, rất khó bị phát hiện do các tín hiệu âm, tín hiệu radar và hồng ngoại phát ra từ tàu đều được giảm thiểu. Được hỗ trợ thêm bởi một hệ thống radar khó bị ngăn chặn, Ada sẽ là mối đe dọa đáng kể với các chiến hạm Nga.
Biệt kích hải quân SAT
SAT (viết tắt của Sualtı Taarruz Timleri/hay Đội tấn công dưới nước) là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được huấn luyện để xâm nhập vào lòng địch từ trên không, trên bộ hoặc trên biển để tấn công các mục tiêu giá trị cao, và gây chia cắt. SAT cũng có thể tấn công các cơ sở cảng biển và tàu đang thả neo. Những thợ lặn chiến đấu này có thể tiến hành những nhiệm vụ gây tổn thất lớn cho hạ tầng ven biển Syria cũng như các tàu chiến Nga có mặt tại đây.
Ngoài những vũ khí chủ lực nêu trên, Thổ Nhĩ Kỳ còn được tin là sở hữu khoảng 100 hệ thống tên lửa bộ binh chiến thuật MGM-140 do Mỹ sản xuất, tầm bắn 160km; các hệ thống pháo tự hành Panter tầm bắn 40km, tên lửa dẫn đường không đối đất Mizrak-U với khả năng khóa mục tiêu cách xa 8km.