Tỉnh Ninh Thuận được xem là “thủ phủ” muối của cả nước với tổng diện tích gần 2.700 ha. Từ giữa tháng 1 đến nay, tổng sản lượng muối tỉnh này thu được hơn 136.000 tấn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng muối tiêu thụ chỉ xấp xỉ 90.000 tấn. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết tính đến cuối tháng 5, địa phương này thu hoạch gần 26.000 tấn muối, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khoảng 1 tháng qua, giá muối giảm 30% - 40%.
Theo ông Phan Thành (diêm dân xã Phương Hải, huyện Ninh Hải), năm 2013, giá muối trên đồng bình quân 860 - 900 đồng/kg, nay là 700 đồng/kg. Tại những đồng muối nhỏ, nằm cách xa đường giao thông chính, giá chỉ trên dưới 550 đồng/kg.
“Giá sụt giảm thế này, may mắn lắm thì huề vốn, lỗ công. Nhưng có bán được đâu…” - ông Thành than vãn. Các xã viên Tổ hợp tác sản xuất muối xã Tri Hải (Ninh Thuận) cho biết hầu hết diêm dân khi thu hoạch muối đều bán tại ruộng vì không có kho chứa. Lượng muối tồn quá lớn, nếu vài tháng nữa mà không tiêu thụ được thì vào mùa mưa, muối tan hết là lỗ “thấu xương”.
Nguyên nhân giá muối giảm thê thảm là do ách tắc khâu vận chuyển. Ở Ninh Thuận, trước đây, thương lái sau khi thu mua muối tại đồng thì thuê tàu thuyền vào cảng Ninh Chữ để vận chuyển với số lượng lớn ra miền Bắc tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện cảng này không cho tàu thuyền trên 500 tấn vào do chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn mới. Thương lái phải dùng xe vận chuyển muối, chi phí tăng hơn nhiều lần so với sử dụng tàu nên họ phải ép giá.
Bà Lâm Trần Hoa, một tư thương có 12 năm thu mua muối ở Ninh Thuận, phân trần rằng trước đây, giá vận chuyển từ Ninh Thuận vào TP HCM khoảng 400.000 đồng/tấn muối thì nay đã tăng gần gấp 2 lần nên phải giảm giá thu mua, bù chi phí. Hầu hết các cơ sở thu muối ở Ninh Thuận để bán cho thị trường phía Bắc phải vận chuyển bằng xe tải ra cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi mới đưa lên tàu thủy.
“Việc kiểm tra xe bây giờ gắt gao lắm, chúng tôi phải chở đúng tải trọng nên cước phí tăng rất cao” - chủ một cơ sở thu mua muối giải thích.
Theo tính toán của nhiều thương lái, với giá thu mua mỗi tấn muối 800.000 đồng thì sau khi cộng chi phí vận chuyển, nhân công thì khi vào đến TP HCM hoặc lên Đắk Lắk thì giá thành sẽ xấp xỉ 1,3 triệu đồng, trong khi giá bán ra chỉ 1,3-1,4 triệu đồng.
Khuyến khích sản xuất muối sạch
Để giúp diêm dân thoát cảnh “được mùa nhưng rớt giá”, đầu tháng 6-2014, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu ban quản lý khai thác các cảng cá khẩn trương nạo vét và gia cố hệ thống cầu cảng để các tàu công suất lớn có thể cập cảng, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập, vận chuyển muối bằng đường biển. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa thì khuyến khích diêm dân thực hiện mô hình sản xuất muối phủ bạt để cho sản phẩm sạch. Muối được sản xuất bằng phương pháp này có chất lượng tốt, sản lượng cao sẽ mang lại lợi nhuận hơn hẳn so với việc làm muối thô.
Theo Lê Trường - Kỳ Nam