Là trường ĐH không nằm trong nhóm xét tuyển Miền Bắc, GS.TS Nguyễn Văn Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên cho biết tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường là 7347 thí sinh và chỉ đăng ký từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 5.
Trong đó, ngành Y đa khoa có 1380 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, chỉ tiêu của ngành này là 246 (sau khi trừ đi thí sinh xác nhận tuyển thẳng và thí sinh thuộc đối tượng dự bị); ngành xét nghiệm có 50 chỉ tiêu nhưng có tới 158 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, ngành Dược có 150 chỉ tiêu thì có 388 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, ngành điều dưỡng có 150 chỉ tiêu thì cũng có tới 352 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Riêng ngành y học dự phòng có 50 chỉ tiêu thì có 27 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
GS.TS Nguyễn Văn Sơn cho biết, nếu chỉ tính thí sinh nguyện vọng 1 thì điểm chuẩn của ngành Y đa khoa của trường đã dâng cao hơn năm trước 2 điểm. “Tuy nhiên, khó khăn nhất của trường hiện nay là những thí sinh nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cũng đăng ký vào ngành này. Vì vậy, điểm chuẩn khó xác định được ở mức độ nào” – GS. Sơn cho biết.
Trong khi đó, các trường “cùng cấp” có thể cạnh tranh đối tượng thí sinh rớt nguyện vọng 1 ở ĐH Y Hà Nội với trường ĐH Y dược Thái Nguyên gồm có ĐH Y dược Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y khoa Vinh. Do đó, “cắt” điểm chuẩn ở mức nào sau mỗi lần chạy dữ liệu của Bộ là bài toán khó đối với trường.
Còn tại ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết sau khi chạy dữ liệu trong nhóm và chạy trên phần mềm lọc ảo của Bộ, dự đoán, ngành Y đa khoa của trường điểm chuẩn cao hơn năm 2016 khoảng 2 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn ngành y đa khoa của ĐH Y Hà Nội năm 2016 cơ sở Hà Nội là 27.5 điểm, phân hiệu tại Thanh Hóa là 24.5 điểm.
Trong khi đó, các trường ĐH top giữa lại đang “ngóng” xem điểm chuẩn của các trường top trên như thế nào để có thể điều chỉnh. Vì chỉ cần một trường ĐH top trên điều chỉnh, lập tức dữ liệu toàn hệ thống sẽ điều chỉnh theo.
Tuy nhiên, các trường top dưới cũng lo lắng nguồn tuyển của mình có thể bị ảnh hưởng nếu mỗi trường top trên “cấu” thêm chỉ tiêu một chút. “Chỉ cần mỗi trường top trên cấu thêm 5% (vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Bộ) thì các trường top giữa chắc sẽ có khó khăn” – lãnh đạo một trường ĐH cho hay.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, năm nay, nếu trường ĐH nào không vào nhóm xét tuyển chắc chắn sẽ rất khó khăn trong việc xác định ảo. Vì quy chế năm nay cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng.
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết hôm qua, phần mềm lọc ảo của Bộ đã chạy hai lần. Đến chiều qua, dữ liệu của toàn bộ các trường đã được đưa lên phần mềm lọc ảo.
Theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, sau khi lọc ảo, phần lớn dữ liệu của các trường đưa lên đã tiệm cận được với chỉ tiêu đã công bố. Chỉ có một số ít trường vượt cao hơn chỉ tiêu đã đưa ra. Với những trường này, phần mềm đã cảnh báo để các trường có điều chỉnh phù hợp.
“Có thể nói, với phần mềm lọc ảo, tất cả dữ liệu các trường đưa lên, phần mềm sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp hơn của thí sinh, chỉ giữ lại nguyện vọng trúng tuyển cao nhất. Do đó, năm nay, sẽ không có tình trạng ảo như những năm trước. Tuy nhiên, khó nói là có thể loại bỏ ảo hoàn toàn. Vì vẫn có một tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng đi du học hoặc trúng tuyển nhưng không đến nhập học” – Thứ trưởng Ga nhận định.