Ngày 11/7, tại hội nghị bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT cho biết, sau hơn 5 tháng xuất hiện, đến ngày 8/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là trên 3,3 triệu con, chiếm khoảng 11% tổng đàn lợn trên cả nước.
Theo Bộ NN&PTNT, trong quá trình phòng chống dịch bệnh, việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nên chưa tiêu diệt hết mầm bệnh, làm phát tán, lây lan.
Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, để tình trạng giết mổ lậu diễn ra, cá biệt có trường hợp thu gom lợn chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc để giết mổ, đưa vào các quán ăn để tiêu thụ.
Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đến nay chưa có loại dịch bệnh nào gây ra tác hại lớn, khó khăn trong ứng phó như dịch tả lợn châu Phi. Có tỉnh toàn bộ ngân sách dự trữ không đáp ứng được một phần cho phòng chống dịch, nên hết sức nguy hiểm.
Từ khi dịch “nổ” ra đến nay đã qua 160 ngày, dù cả hệ thống vào cuộc, nhưng do dịch bệnh nguy hiểm nên gây thiệt hại rất nặng nề. Có một tỉnh duy nhất chưa thâm nhập đến là Ninh Thuận.
Theo Bộ trưởng Cường, với dịch tả lợn châu Phi, đến nay “vũ khí” duy nhất là chăn nuôi an toàn sinh học. Không chỉ riêng cho loại dịch tả lợn châu Phi mà đây là nguyên tắc với mọi loại bệnh kể cả người, phòng là chính.
Bộ trưởng Cường cho biết, thực tế nhiều công ty quy mô lớn, áp dụng biện pháp tổng thể sinh học nên đàn lợn không bị ảnh hưởng. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cũng có nhiều giải pháp sáng tạo nên hạn chế thấp nhất thiệt hại.
“Về lâu dài, ngay từ đầu chúng ta đã đi hướng tích cực là nghiên cứu vắc-xin cùng với các chế phẩm sinh học khác khác trở thành một trong những nhận tố của giải pháp an toàn sinh học ban đầu”, ông Cường nói.
Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, để giải quyết nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm, Bộ đã tập trung chỉ đạo gia tăng về sản phẩm gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, việc phát triển 3 nhóm sản phẩm trên phải đảm bảo nguyên tắc xây dựng theo chuỗi liên kết an toàn, nếu không đến cuối năm gặp dịch bệnh là
"chết".
Cùng đó, phải đảm bảo cân đối cung cầu thị trường, nếu không phát triển vô tổ chức sau này dẫn đến khủng hoảng thừa, đồng thời phải tạo sinh kế cho người bị thiệt hại chăn nuôi lợn để có việc làm mới.
Bộ trưởng Cường cho biết, đến tháng 10 tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổng kết chiến lược 10 năm phát triển chăn nuôi (năm 2008-2018). Phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới phải nhìn thị trường trong nước và thế giới, thích ứng được với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn sinh học và không quá tập trung một sản phẩm.