Tỉnh cuối cùng ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

TPO - Sáng 2/7, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận có ổ dịch tả lợn châu Phi. Đây cũng là địa phương cuối cùng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dịch bệnh này.  

Trả lời PV Tiền Phong, ông Trần Quang Thái – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre xác nhận thông tin trên và cho biết ông đang ở hiện trường xử lý nên chưa trả lời thêm.

Theo nguồn tin của PV, ổ dịch xuất hiện tại hộ chăn nuôi là ông Nguyễn Văn Tiễn (ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), trong tổng đàn 54 con có 2 con bị bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đại diện Chi cục Thú y Vùng VI, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi tỉnh Bến Tre đến xử lý ổ dịch.

Bến Tre là địa phương có số lượng đàn lợn hàng đầu vùng ĐBSCL, với tổng đàn hiện có hơn 640.000 con lợn. Tỉnh đã thành lập 10 chốt kiểm dịch động vật để kiểm tra việc vận chuyển, mua bán lợn ra vào địa bàn địa bàn tỉnh.

Như vậy, toàn bộ 13 tỉnh thành ở miền Tây đã bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, nhiều tỉnh thành dịch bệnh đã phủ sóng khắp các địa phương.

Tỉnh cuối cùng ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ảnh 1 Dịch tả lợn châu Phí đã phủ khắp các tỉnh miền Tây. Ảnh: CK

Trước đó, ngày 18/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019.

Quan điểm chỉ đạo của nghị quyết là coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp ủy, chính quyền, DN và người chăn nuôi; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, triển khai với phương châm “dập dịch như chống giặc”; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh…

Ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi sẽ được hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại và 30.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.

Ngày 28/6, Tổng cục Thống kê cho biết dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng khắp hầu hết các tỉnh thành trên cả nước với tổng số lợn tiêu hủy chiếm tới 10% tổng đàn, khiến giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018.

Tháng 6/2019, đàn lợn của cả nước giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 1.801,2 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước (riêng quý II giảm 12,4%)…

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.