Dịch “quỵt nợ” bùng phát ở Nghệ An

Những chủ nợ đang có nguy cơ trắng tay.
Những chủ nợ đang có nguy cơ trắng tay.
TP - Hàng trăm người dân ở huyện Đô Lương và thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) đang đứng trước nguy cơ trắng tay, vì tin vào món lãi cao từ con nợ mang đến. 

Vừa là quan xã, vừa là con nợ


Một số tiểu thương ở khu vực chợ Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) đang bị lâm vào đường cùng vì cho ông Nguyễn Thanh Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận (TX Thái Hòa) và vợ ông là bà Trần Thị Xuân (SN 1962) vay tiền. 

Một nạn nhân cho biết, gia đình ông Phó chủ tịch xã, nhà lầu, xe hơi, con cái thành đạt, vợ ông là chủ cửa hàng ăn uống lớn ở thị tứ Nghĩa Thuận, ai nấy đều tin tưởng đưa tiền cho vay. Khi hay tin cặp vợ chồng này vỡ nợ, mọi người hốt hoảng tới đòi mới biết họ không còn khả năng thanh toán. 

Đảo qua tập giấy nợ của cặp vợ chồng này thấy: Ông Trần Sĩ Thiệp cho vay 530 triệu, bà Bùi Thị Thanh 290 triệu, bà Ngô Thị Hương 420 triệu, bà Nguyễn Thị Lan 105 triệu, chị Nguyễn Thị Liên 55 triệu… Tổng số tiền nợ trên 8 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi suất.

Theo tường trình ông Phượng gửi Đảng ủy và UBND xã Nghĩa Thuận, số tiền vay mượn ấy vợ chồng ông đầu tư kinh doanh hàng ăn, bán đồ điện dân dụng, nhưng thua lỗ. Con trai ông Phượng còn thành lập một Cty riêng để đầu tư xây dựng, nhưng không thu hồi được vốn, nên dẫn đến vỡ nợ. 

Trước ngày cưới con gái út, thấy bà con kéo đến đòi nợ “rát” quá, ông Phượng viết giấy xin khất, hứa sau khi cưới con gái xong, ông bán căn nhà đang ở để trả nợ. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Phó chủ tịch đã lặng lẽ chuyển nhượng ngôi nhà mình cho một người khác với giá 3,5 tỷ đồng, mà không thanh toán cho bà con.

Gương điển hình cũng... vỡ nợ

Bà Thái Thị Mai (SN 1964), trú xóm Tây Xuân, xã Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương) phản ánh: tháng 4/2013, bà Ngô Thị Trang (SN 1972), trú xóm Hòa Bình, xã Giang Sơn Đông đến hỏi vay tiền để đáo nợ ngân hàng. Vì tin vào vợ chồng bà Ngô Thị Trang vừa được Đài phát thanh và Truyền hình địa phương tuyên dương là gương điển hình trong làm ăn phát triển kinh tế, có trang trại chăn nuôi, bản thân bà Trang còn là đảng viên, cán bộ thú y, cán bộ hội phụ nữ, nên bà Mai cho vay 3 đợt, tổng cộng 170 triệu đồng tiền mặt, kèm theo 25 triệu tiền phường. Theo hẹn, nhiều lần bà Mai đến hỏi nợ thì bà Trang khất lần, rồi sau đó tuyên bố vỡ nợ.

Tương tự, chị Đặng Thị Hằng (SN 1976), trú xóm Phố, cho vay 4 lần, tổng cộng 175 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm của Ngô Thị Trang cho vay tổng cộng 320 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác nữa. 

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông, cho biết: Gia đình bà Trang mở dịch vụ kinh doanh cám con cò, phát triển mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả. Mới đây, gia đình bà Trang còn nhận thêm đất công ích của xã để mở rộng trang trại và đang xây dựng dở dang. Quá trình thực hiện nhiệm vụ người đảng viên và phát triển kinh tế, bà Trang chưa có dư luận xấu nào. Cách đây khoảng 20 ngày thì bắt đầu có thông tin bà Trang có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen, chính quyền chưa kịp xác minh thì thông tin đã bùng phát rộng rãi.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.