Dịch MERS - CoV: Nguy cơ cao nếu phó mặc cho y tế

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến theo dõi hoạt động kiểm tra tờ khai y tế đối với hành khách Hàn Quốc vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất trưa 19/6. Ảnh: Quốc Ngọc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến theo dõi hoạt động kiểm tra tờ khai y tế đối với hành khách Hàn Quốc vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất trưa 19/6. Ảnh: Quốc Ngọc
TP - Ngày 19/6, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu, đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về công tác phòng chống dịch MERS-CoV tại nơi được đánh giá có nhiều khả năng dịch xâm nhập nhất hiện nay.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Tiến đã đi kiểm tra công tác thu dung, điều trị, cách ly MERS-CoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, khó khăn cho việc giám sát khách Hàn Quốc là đa phần không biết tiếng Anh, nhiều người không thể giao tiếp và khai báo y tế. Ngoài ra, một số hãng hàng không chưa tổ chức tốt việc phát tờ khai y tế trên máy bay nên hành khách phải khai tại bàn kiểm tra của kiểm dịch y tế, gây bức xúc và ùn ứ tại khu vực nhà ga đến.

Đại diện Trung tâm cũng cho biết, hằng ngày phải kiểm tra tờ khai, đo thân nhiệt từ xa cho từ 1.800-2.000 hành khách trên các chuyến bay. Hiện lực lượng kiểm dịch viên được chia thành 3 ca trực/ngày, gồm đầy đủ các thành phần chuyên môn bác sĩ, điều dưỡng, khử trùng và lái xe. Lúc cao điểm, trung tâm phải huy động 15 người có mặt tại sân bay để bảo đảm nhiệm vụ.

Trao đổi với Tiền Phong về ca mắc MERS-CoV mới nhất tại Thái Lan, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho rằng, hiện chưa cần thiết áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ quốc gia này. Bởi cũng tương tự như Trung Quốc, tuy đã có ca bệnh, nhưng cả 2 nước đang kiểm soát và khống chế tốt việc lây lan. “Đây cũng là bài học cho chúng ta. Khâu giám sát là quan trọng, khai báo ở cửa khẩu cũng quan trọng nhưng chưa đủ. Vì thời gian ủ bệnh của MERS-CoV tới 14 ngày cho nên phải giám sát tại cộng đồng bằng truyền thông đánh động ý thức người dân”, ông Phu nói. Ông kêu gọi: “Vào thời điểm này, mỗi cá nhân tự phòng chống bệnh bằng cách khi vào bệnh viện phải mang khẩu trang là chắc ăn nhất”.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao việc ngành y tế áp dụng tờ khai y tế ngay trên máy bay bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Hàn. Bà đề nghị nên phát kèm luôn trên máy bay tờ hướng dẫn về phòng chống MERS-CoV.

Bộ trưởng tỏ ra quan ngại về công tác giám sát tại cộng đồng và cho rằng đây cũng là một thách thức lớn đối với TPHCM. “Từ danh sách những người đến từ vùng dịch, đơn vị y tế cần phối hợp ngay với địa phương để theo dõi, báo cáo ngay cho cơ sở y tế gần nhất nếu có trường hợp nghi ngờ. Cần tập trung vào những vùng nóng có nhiều khách du lịch, nhất là khách đến từ Hàn Quốc”, bà Tiến nói.

Cũng theo Bộ trưởng, thành phố nên ưu tiên kinh phí chống dịch cho công tác chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện. Việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị đắt tiền, như máy trao đổi oxy ngoài cơ thể, chưa cần thiết.

Tại buổi làm việc, ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TPHCM- nhấn mạnh: “Việc phòng chống dịch MERS-CoV nếu chỉ giao khoán cho ngành y tế, mà thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, chung sức của lãnh đạo các quận huyện, sở ngành thì e rằng nguy cơ cao”. 

MỚI - NÓNG