Dịch cúm bủa vây, chào mào Sài Gòn còn hót?

Con chào mào 75 triệu
Con chào mào 75 triệu
TP - Anh Khôi là một nhân viên kinh doanh điện thoại mà tài sản lớn nhất của cá nhân anh lại chính là con chào mào.

Tên là Bông, con chào mào đột biến gien có gốc ở miền Trung do một người dân miền sơn cước bắt được bán lại cách đây vài năm. Anh Khôi coi con chim như người bạn tri kỷ. Anh thường ngủ trưa trong tiếng hót luyến láy của nó, dù bệnh dịch cúm gia cầm đang bủa vây khắp ngõ vào Sài thành.

Đột biến

Giới chơi chim cho rằng Việt Nam trải qua chiến tranh, một số khu rừng bị nhiễm hóa chất độc chiến tranh, đôi khi xuất hiện những con chim đột biến gien quý hiếm thành đối tượng săn lùng của dân chơi khắp Đông Nam Á.

Con Bông của anh Khôi không giống những chú chào mào sậm màu bình thường mà thân nó nhiều màu lông khác nhau. Nó không phải con chim đột biến kiểu bạch tạng trắng toàn thân mà là một chú chào mào lông khoang, nhiều gam màu, mắt đen nhưng nhức.

Chim chào mào đột biến gien như ở Sài Gòn đang có giá khoảng 30-40 triệu đồng một con. Con Bông, với khả năng chiến đấu, giọng hót phong phú, dáng đẹp, đã được người ta trả giá 70 triệu đồng.

Trong nhà khuyên anh bán đi để kiếm khoản tiền lời rất đáng kể nhưng chủ chim lắc đầu. Người ta cũng nói tương lai con Bông còn phía trước. Nó mà hót hay đấu giỏi, thắng nhiều giải thì có lẽ “giá trị chuyển nhượng” lên tới 700 triệu đồng.

“Đợt dịch mấy năm trước, nhiều người đã thẳng tay tận diệt hết đàn chim họa mi mấy chục năm nuôi dưỡng công phu, dù người ta không hề có bằng chứng gì về sự lây nhiễm bệnh từ họa mi”.

Anh Khôi

Chơi chim chào mào 20 năm, anh Khôi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước giá cả của chim chào mào. Còn nhớ cách đây ba năm, con chào mào bán đắt nhất Sài Gòn là 50 triệu đồng. Thật ra hai người chơi chim đổi chác cho nhau. Ông chủ một khách sạn ở khu Kỳ Hòa đổi hai con chim quý của mình, bù thêm lồng và tiền, tổng số tiền lên tới 50 triệu đồng chỉ để lấy một con chào mào. Sự kiện ấy là một cú hích cho nghề chơi chào mào.

Người Sài Gòn ít chơi chào mào mà họ chơi nhiều họa mi, sáo, vẹt… Chào mào thường được xem như chim bình dân, thú chơi của người ngoại tỉnh. Cội (nơi tập trung người chơi, thường là quán cà phê có không gian đẹp) chào mào mấy năm đó đa số toàn sinh viên với công nhân. Đùng cái, chào mào lên ngôi.

“Nhiều bạn sinh viên chơi chào mào lúc bí tiền đem chim ra cội bán cũng được một vài triệu đồng” - người chơi chim vui vẻ kể. Thú chơi ngày càng nở rộ, cội mọc lên nhiều. Chào mào với dáng đẹp, giọng hót hay, ngày càng chinh phục được người chơi.

Dịch cúm bủa vây, chào mào Sài Gòn còn hót? ảnh 1

Cội chim thưa vắng. Ảnh: T.N.A

 Mới rồi con chim chào mào nổi tiếng ở Huế đã được mua với giá 100 triệu đồng. Tại Vũng Tàu hiện cũng có những con chào mào trị giá cả trăm triệu đồng.

Tại quận 7, TPHCM, có ông H. làm ở tiệm điện thoại cũng vừa mua một con chào mào 65 triệu đồng. Chú chim đem lại niềm vui cho cả hội chơi chim gồm mấy chục con người. Một người cũng trả ông H. số tiền 70 triệu, ông không bán.

Gần đây có anh nha sĩ đã mua được con chào mào 150 triệu đồng. Con chào mào ấy có đến mấy người tranh nhau mua, cuối cùng anh nha sĩ đã thắng. Người chơi ở cội nói họ yêu quý “những con chim có tài”. Hàng vạn con chim thường giống nhau, đôi khi đột khởi những con chim hót độc đáo và thông minh lạ thường. Chúng đáng được để người đời thưởng ngoạn.

Mưa rơi

Người chơi chim chào mào đủ hạng. Khi vào cội, người chơi chim đắt tiền ngồi với nhau một khóm, người chạy xe ôm, sinh viên ngồi một góc. Chào mào đặt cạnh nhau, thi hót, nhảy múa. Có anh Tèo làm bảo vệ, thức trắng cả đêm, sáng nào cũng đi 20 cây số đem chim đến cội ở Tân Phú để nó gặp bạn bè, luyện chim hót. Con chim vui tươi, khuôn mặt khắc khổ của anh cũng như vợi đi biết bao sương gió. Vắng anh, cội đông đến mấy cũng thấy thiếu.

Người chơi chim chào mào ở TPHCM hiện lên tới cả ngàn người, thậm chí họ đã họp trù bị dự kiến thành lập một “Liên đoàn những người chơi chào mào”. Theo quy chế dự thảo, liên đoàn sẽ tổ chức các hội thi, bảo vệ người chơi chim, không để thú chơi tự phát và chịu nhiều thiệt thòi của cảnh chào mào vô thừa nhận.

Giá trị đàn chào mào của Sài Gòn giờ đã được đánh giá lên đến hàng tỷ đồng. Chẳng hạn giới chơi chim ở Sài Gòn đang rất tự hào về một con chào mào có tên là “Mưa Rơi”.

Con “Mưa Rơi” đã giành mấy giải nhất trong các cuộc thi và đem về cho chủ nhân giải thưởng đến mấy chiếc xe máy (Ban tổ chức thường treo giải thưởng giải nhất là xe máy để khuyến khích anh em đưa chim đi giao lưu).

Người khách từ thành phố khác đã trả 200 triệu đồng để sở hữu “Mưa Rơi”, chủ nhân của nó quyết tâm giữ con chim ở lại Sài Gòn. Người ta nói rằng: “Ai đó muốn có con “Mưa Rơi” thì phải đổi một chú chào mào tương đương như nó, chứ không phải là đem theo một ba lô tiền đến đây là xong”.

Giữ chim

Một người trải bao khó khăn mới mua được con chào mào 70 triệu đồng, không dè đêm tối đạo chích đã câu cái lồng, đem chim đi mất. Nạn đánh cắp chim xảy ra thường lắm.

Mới rồi một người chơi chim đang đi trên đường Nơ Trang Long thì bọn đạo chích từ phía sau phi tới, cướp băng lồng chim. Anh này liều thân đuổi theo, giành lại cho bằng được. Tuy rằng người bị thương gãy cả răng, nhưng anh vẫn giữ được con chim quý của mình.

Dịch cúm bủa vây, chào mào Sài Gòn còn hót? ảnh 2

Thú chơi chào mào

Người ta bảo kẻ xấu luôn theo sát chủ chim chim quý, chúng mới ra tay nhanh gọn như vậy. Chim bán đi nước ngoài thử hỏi làm sao tìm thấy nữa.

Nỗi lo lắng của người chơi chào mào Sài Gòn còn là bệnh cúm gia cầm. Người ta nuôi cách ly, bảo vệ từng con chim như giữ vật báu của họ vậy. Rồi những đợt kiểm tra phòng dịch, xử phạt các cội có lúc làm người chơi buồn lòng. Bởi hơn ai hết, người chủ chim lo cho sức khỏe của chim và cho gia đình họ. Họ không phải thủ phạm cũng không bao giờ muốn làm nạn nhân của dịch cúm.

Một sự quan liêu, máy móc, lối suy nghĩ đơn giản để hậu quả khó tưởng tượng. Anh Khôi đắng đót kể rằng: “Đợt dịch mấy năm trước, nhiều người đã thẳng tay tận diệt hết đàn chim họa mi mấy chục năm nuôi dưỡng công phu, dù người ta không hề có bằng chứng gì về sự lây nhiễm bệnh từ họa mi”- anh Khôi nói.

Đợt dịch cúm này vẫn treo lơ lửng số phận của đàn chào mào quý của Sài Gòn. Các đoàn kiểm tra đã đến làm việc với các cội rồi, song chưa biết kế hoạch sắp tới ra sao. Người chơi chim muốn các cơ quan chức năng có cách bảo vệ đàn chim quý một cách an toàn nhất, chứ không chỉ phòng xa để tận diệt chim lành cho… hết trách nhiệm. Hy vọng đàn chào mào sẽ an toàn vượt qua dịch cúm năm nay.

Ông Lê Văn Sang thuộc Câu lạc bộ chào mào TPHCM cho biết hiện anh em nuôi chào mào trong thành phố sinh hoạt ở nhiều cội khắp thành phố và đang khá hoang mang trước tình hình dịch bệnh.

Ông Sang nói: “Con chim chào mào rất có giá trị, nên người chơi lo lắng khi dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Con chim quá bé nhỏ nên không thể tiêm phòng dịch như gà, lợn”.

Hội sinh vật cảnh đã khuyến cáo anh em liên hệ với các cơ sở thú y gần nhất đến để vệ sinh phòng dịch các tụ điểm chơi chào mào. Tuy vậy có cội đã thực hiện phòng dịch, có cội vẫn chưa làm.

2/2014

MỚI - NÓNG