Thông tin từ Bộ Y tế chiều 19/2 cho biết, trên địa bàn TPHCM trong ngày không có bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Cả 2 trường hợp tử vong được ghi nhận tại các bệnh viện đều được chuyển đến từ các tỉnh khác gồm Quảng Ngãi (1 ca); Bà Rịa – Vũng Tàu (1 ca).
Tuy nhiên, số ca mới mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố đang tăng nhanh, ngày 19/2 đã phát hiện 849 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 18/2 số ca mới mắc COVID-19 tại TPHCM ghi nhận 715 ca nhiễm mới; ngày 17/2 là 483 trường hợp.
Dịch COVID-19 gia tăng trở lại trên địa bàn thành phố sau Tết Nguyên Đán là tình huống đã được dự báo từ trước. Theo phân tích của Sở Y tế, nguyên nhân số ca mắc mới gia tăng trở lại là do người dân từ các tỉnh thành trở lại thành phố học tập, làm việc sau Tết, sự gia tăng giao lưu tiếp xúc, biến động dân cư và trẻ đi học trở lại… là nguyên nhân tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 gia tăng, bùng phát trở lại, ngày 18/2 Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi các cơ sở y tế, UBND quận huyện cùng thành phố Thủ Đức đề nghị các địa phương rà soát, nâng năng lực điều trị F0, đặc biệt là với bệnh nhân tại nhà, xây dựng phương án y tế theo từng cấp độ dịch của mỗi địa phương.
Đến nay, hơn 90% người dân đang sinh sống tại TPHCM đủ tuổi đều được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đa số F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Theo Sở Y tế với tình hình trên, mỗi trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng với 1 bác sĩ và 1 đến 2 điều dưỡng đủ khả năng chăm sóc, quản lý 50-100 hộ F0. Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng chỉ có nhân viên y tế, không có bác sĩ, thì trạm y tế và trạm y tế lưu động hỗ trợ chăm sóc 10-20 hộ có F0.
Cơ sở y tế chăm sóc, quản lý F0 tại nhà khi tiếp nhận thông tin người dân khai báo có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính sẽ đánh giá tình trạng lâm sàng và khai thác yếu tố dịch tễ. Trường hợp chưa đủ cơ sở xác định là F0 theo quy định của Bộ Y tế, y tế địa phương sẽ xét nghiệm lại cho người bệnh bằng xét nghiệm nhanh do Bộ Y tế cấp phép.