Dịch corona bùng phát ở Trung Quốc, Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề

Khách du lịch Trung Quốc tại sân bay Narita của Nhật Bản. Nhiều người đã hủy tour giữa lúc virus nguy hiểm bùng phát Ảnh: Nikkei Asian Review
Khách du lịch Trung Quốc tại sân bay Narita của Nhật Bản. Nhiều người đã hủy tour giữa lúc virus nguy hiểm bùng phát Ảnh: Nikkei Asian Review
TP - Nhật Bản là một trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế khi dịch corona bùng phát ở Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản kể từ cuối năm 2012 đến nay phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nhu cầu đến từ đất nước đông dân nhất thế giới tập trung vào xe hơi, đồ điện tử và các loại hàng hóa “Made in Japan” khác, nhưng cũng không thể không kể đến sự bùng nổ nguồn khách du lịch Trung Quốc. Nới lỏng chính sách thị thực, một đồng yen yếu và các chiến dịch quảng cáo truyền thông bằng tiếng Hoa đã mang lại những thành công kinh tế cho chính phủ của ông Shinzo Abe.

Dân đại lục Trung Quốc là những  người chi tiêu du lịch nhiều nhất ở Nhật Bản và cũng là tâm điểm của mục tiêu đầy tham vọng của ông Abe là thu hút 40 triệu khách quốc tế trong năm nay. Tuy nhiên mong muốn đó đang gặp trục trặc lớn khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban hành lệnh cấm các công dân Trung Quốc đi du lịch ngoại quốc theo đoàn.

Trong năm 2018, khoảng 1/3 khách du lịch đại lục Trung Quốc đến Nhật theo các chương trình quảng bá nói trên. Các quận của Tokyo như Ginza, Shinjuku và Asakusa đã chứng kiến sự bùng nổ lượng khách ở các khu vực cửa hàng miễn thuế. Tại các địa điểm này, nhân viên bán lẻ không biết tiếng Hoa sẽ không được tuyển dụng. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi chi tiêu du lịch từ khách Trung Quốc ở Nhật tăng thêm 16,2 tỷ USD chỉ trong năm 2019. 

Nhưng chưa kể đợt bùng phát virus corona mới ở Vũ Hán, nền kinh tế Trung Quốc đã rơi xuống mức tăng trưởng thấp. Nếu chính phủ Trung Quốc duy trì được mức tăng trưởng 5% trong năm 2020, theo các chuyên gia kinh tế, đó nên xem là may mắn.

Một rủi ro khác đang dần hiện ra trước mắt các nhà hoạch định của Nhật Bản. Olympics Tokyo 2020 sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản Kazuhiro Tateda nói Tokyo sẽ “phải hết sức thận trọng” về nguy cơ virus corona.

Nhật Bản có thể sẽ rất thận trọng. Nhưng theo một nhận định trên Asia Times, điều ngoài tầm với của chính phủ ở Tokyo là nguy cơ ông Tập quyết định không cử đội thể thao Olympics Trung Quốc qua Nhật, hoặc Mỹ hay Hàn Quốc có thể làm vậy vì e ngại dịch bệnh.

Khi virus ở Trung Quốc bùng phát, “chúng ta thấy trước được tác động tiêu cực bao trùm đối với GDP của Nhật Bản”, nhà kinh tế Shuji Tonouchi thuộc công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley nói.

Ikuo Tsunoda, chuyên gia vi trùng học ở đại học Kindai nói sự hoảng sợ lan tràn trong công chúng đồng nghĩa nền kinh tế sẽ suy sụp ở một mức nào đó. Ông dẫn ra ví dụ về đợt dịch bò điên hồi đầu những năm 2000 khiến công chúng Nhật sợ hãi có phần quá mức và gây ra hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế.

Sự bất an về kinh tế khiến tháng 1/2020 trở thành cơn ác mộng đối với chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe, hết chuyện cựu chủ tịch Carlos Ghosn của Nissan trốn thoát ngoạn mục từ nhà riêng ở Tokyo, cũng là đào thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp Nhật Bản, đến vụ ám sát tướng  Qasem Soleimani của Iran khiến nỗ lực hòa giải trước đó của ông Abe trở thành vô nghĩa. Nay lại thêm chuyện virus Vũ Hán.

Có rất nhiều yếu tố khiến gần như không thể đánh giá đầy đủ các tác động tiêu cực đối với GDP Nhật Bản trong năm nay. Theo tác giả William Pesek trên Asia Times, việc Viện nghiên cứu Nomura dự đoán GDP Nhật Bản giảm 0,45% nên xem là hơi lạc quan quá mức. Và có vẻ gói kích thích kinh tế 120 tỷ USD công bố hồi tháng 12/2019 là không đủ.

MỚI - NÓNG