Trẻ mắc virus hợp bào điều trị tại BV Thanh Nhàn |
Những ngày gần đây tại Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do nhiễm virus gây viêm đường hô hấp. Hơn 80 bệnh nhi nhập viện viêm đường hô hấp thì có 16 bé được xác định nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), trong đó 5 trẻ phải thở ô xy vì nhiễm RSV nặng. Chị M.A. (Hà Nội) có con 4 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết bé bị nhiễm virus hợp bào từ anh chị đang đi học mầm non vì ở lớp đã có gần chục trường hợp trẻ nhiễm virus phải nghỉ học.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, tỉ lệ trẻ nhiễm virus hợp bào hiện chiếm khoảng 25% số bệnh nhi. “Đa số trẻ nhiễm virus RSV đều nhập viện trong tình trạng thở khò khè, sốt, một số trẻ bị suy hô hấp cần phải thở ô xy hỗ trợ.
Với những trường hợp bị suy hô hấp, đa phần là ở trẻ nhỏ, từ 1-2 tháng tuổi. Trẻ nhập viện không phải do đến viện muộn, mà do virus RSV gây biến chứng như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…. Những biến chứng này diễn tiến rất nhanh. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, nên càng dễ gia tăng số ca mắc”, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang thông tin.
Thống kê toàn thành phố Hà Nội từ đầu năm tới nay đã đã ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết (gấp hơn 19 lần so với cùng kì năm ngoái), 800 ca thủy đậu (cùng kì năm trước chỉ có 11 ca). Đặc biệt, tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số chùm ca bệnh thủy đậu, tay chân miệng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua cũng có nhiều trẻ nhiễm RSV. TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay: “Virus hợp bào là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh, biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch còn kém”.
Các bác sĩ nhận định, việc điều trị bệnh do virus này ở trẻ nhỏ khá khó khăn (dù không phải là loại virus mới), nhất là với bệnh nhi dưới 6 tháng tuổi.
Đáng chú ý, RSV gây ra các triệu chứng rất chung chung, giống như các bệnh lí đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp hay giống với cúm, cảm lạnh thông thường.
Do đó để phân biệt được trẻ có bị nhiễm virus RSV hay không hề đơn giản. Với trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi có các biểu hiện ho, sốt, thở khò khè… cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.
Bệnh tay chân miệng vào mùa
Ngày 5/4, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra cảnh báo, bệnh tay chân miệng đang vào mùa. Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng. Chỉ tính riêng từ ngày 13 đến 29/3, có 37 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện. Hầu hết ca bệnh diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm. TS Hải thông tin, bệnh tay chân miệng lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra.
Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
“Các biến chứng nguy hiểm là biến chứng thần kinh (như viêm não, viêm màng não), biến chứng tim mạch hô hấp: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch”, bác sĩ Hải nói.