Hà Nội mạnh tay với các dự án “ôm” đất bỏ hoang nhiều năm

TPO - HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND thành phố thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục...
HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
Tại Nghị quyết trên, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định. 
Hà Nội mạnh tay với các dự án “ôm” đất bỏ hoang nhiều năm ảnh 1 Trong ảnh là dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, một trong những dự án “đắp chiếu” gần 10 năm trên địa bàn huyện Hoài Đức từng bị đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất. 
 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán về công tác quản lý đất đai, quản lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách trên địa bàn, nhất là các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất. 
 
Cùng với đó, hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra 383 dự án (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã), 161 dự án (theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường) chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai và xử lý theo quy định. 
 
Nghiên cứu, trình HĐND thành phố xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô tại kỳ họp gần nhất.
Đáng chú ý, HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND thành phố đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai trên cổng giao tiếp điện tử thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích. 
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội tại phiên giải trình về kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, thành phố hiện có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau.
Phổ biến nhất vẫn là 40 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa; 47 dự án chậm tiến độ thực hiện trên 24 tháng; 22 dự án chậm hoàn thành công tác; 4 dự án chậm nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, con số báo cáo của Sở Tài Nguyên - Môi trường lại “vênh” với báo cáo Kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai.
Tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội theo báo cáo Hội đồng nhân dân lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm tiến độ, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án… Cá biệt, một số chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.
HĐND thành phố cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai được đánh giá là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô...

Trách nhiệm chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với nhóm dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chậm 12 tháng, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với nhóm dự án chậm 24 tháng theo tiến độ thực hiện phê duyệt, sở Quy hoạch và Kiến trúc đối với nhóm dự án chậm nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch.
MỚI - NÓNG