Hà Nội: Cao ốc vẫn ồ ạt 'mọc' nội đô và trên 'đất vàng' nhà máy di dời

TPO - Qua 6 năm thi hành Luật Thủ đô thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trong khu vực nội đô lịch sử và trên nền đất sau khi di dời, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật trong khu vực nội thành.
Cao ốc vẫn "mọc" trong nội đô
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây về việc thi hành Luật Thủ đô cho biết, qua 6 năm thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu đã giúp cho Thành phố thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nhiều dự án khu đô thị mới mọc lên mang tầm vóc của một đô thị hiện đại đang dần hiện hữu...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận việc thực hiện quy định của Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo báo cáo của Chính phủ, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì Khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.
Hà Nội: Cao ốc vẫn ồ ạt 'mọc' nội đô và trên 'đất vàng' nhà máy di dời ảnh 1 Cao ốc vẫn ồ ạt 'mọc' trong nội đô và trên 'đất vàng' nhà máy di dời của Hà Nội
Thống kê sơ bộ, tại một số quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng cho thấy nhiều dự án nhà cao tầng đã và đang được triển khai xây dựng như: Tòa nhà Hồng Công Tower - Đê La Thành; Tổ hợp văn phòng cho thuê, căn hộ tại Vietronic - Nguyễn Chí Thanh; các dự án xây dựng trên nền đất của các công ty CP đầu tư xây dựng số 7, Công ty CP bánh kẹo Hải Châu…
Theo Chính phủ, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô. 
"Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Đơn cử như trên Đường Nguyễn Trãi, Đường Nguyễn Tuân, Quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su sao vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp thống nhất, Xe buýt Hà Nội…, nay là những dự án Tổ hợp nhà liền kề, Trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.
"Vỡ" quỹ đất xây NƠXH trong dự án nhà ở thương mại
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, Thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 09 bộ, ngành Trung ương. Đơn cử các Bộ: Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng Tổ hợp dự án nhà cao tầng. Đối với bệnh viện tuyến Trung ương, thì hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành.

Đáng chú ý, trong số 09 bộ, ngành thì hiện có 07 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 02 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng.
Hà Nội: Cao ốc vẫn ồ ạt 'mọc' nội đô và trên 'đất vàng' nhà máy di dời ảnh 2 Quỹ đất xây NƠXH trong dự án nhà ở thương mại khó khả thi.
Ngoài ra, việc quy định tỷ lệ 25% diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trên 10 ha tại Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, thì trên thực tế việc bố trí 25% diện tích đất ở hoặc 25% quỹ sàn nhà ở để phát triển NƠXH trong cùng dự án rất khó khả thi, bởi quy hoạch dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp và nhà ở xã hội trong cùng dự án là không tương thích với nhau về hạ tầng kỹ thuật, hơn nữa do chung hạ tầng kỹ thuật cho nên giá căn hộ, giá dịch vụ trong khu đô thị, dự án nhà ở cao cấp là rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân là đối tượng được mua nhà ở xã hội. 
Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách; năng lực của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn ở một số dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác rà soát, đánh giá, lập danh mục khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp để công bố thu hút đầu tư còn chậm, thậm chí rất chậm.

Báo cáo cho thấy, dù TP.Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội. 

MỚI - NÓNG