Đi đường sắt từ Yên Nghĩa đến Cát Linh mất tối đa 20 phút

Với quãng đường 13,1 km, sau khi đi vào hoạt động tuyến Metro số 2A chỉ đi hết 15 đến 20 phút. Ảnh: Như Ý
Với quãng đường 13,1 km, sau khi đi vào hoạt động tuyến Metro số 2A chỉ đi hết 15 đến 20 phút. Ảnh: Như Ý
TPO - Với hành trình 13 km, giờ cao điểm nếu đi ô tô từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh sẽ hết 60 - 70 phút, xe máy là 35 - 40 phút, nhưng nếu người dân di chuyển bằng đường sắt đô thị (metro) chỉ hết 15 - 20 phút. Cùng với đó, giá vé metro cũng sẽ cao hơn giá vé xe buýt, tuy nhiên sẽ được thành phố Hà Nội trợ giá.  

Sẵn sàng để metro lăn bánh

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Ha Noi Metro) cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Metro số 2A) vừa được Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT (chủ đầu tư) đưa vào vận hành kỹ thuật, theo dự kiến, 13 đoàn tàu của dự án sẽ vận hành thử để khớp nối các thông số kỹ thuật trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, nếu hệ thống đoàn tàu vận hành tốt, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ đưa dự án vào khai thác thương mại (chở khách) chính thức trước Tết Nguyên đán năm nay. Do vậy, hiện Ha Noi Metro đang chuẩn bị các công tác để tiếp nhận, vận hành khi các đoàn tàu được đưa vào hoạt động.

Tuyến Metro số 2A đã được vận hành thử nghiệm,  Ha Noi Metro đã có sự chuẩn bị thế nào cho việc tiếp quản, khai thác, thưa ông? 

Để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận, vận hành các đoàn tàu đô thị lần đầu tiên lăn bánh tại Hà Nội và cũng là cả nước, UBDN thành phố và Ha Noi Metro đã tiếp cận dự án từ cách đây 3 năm. Trong đó chú trọng đặc biệt đến công tác phối hợp tuyển dụng, đào tạo nhân lực. Tính đến nay, nhờ sự quan tâm của UBND thành phố, các Sở ban ngành và chủ đầu tư Ha Noi Metro đã chuẩn bị được số nhân lực 680 người để tiếp nhận, vận hành dự án.

Ngoài việc được đào tạo kỹ thuật bên Trung Quốc, nhiều nhân lực trong số trên còn được đào tạo chuyên ngành đường sắt đô thị theo chương trình hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Đến thời điểm hiện nay, Ha Noi Metro đã xây dựng được các bộ tài liệu kỹ thuật, như: Các quy trình vận hành của dự án tuyến Cát Linh – Hà Đông, Các quy trình của dự án hỗ trợ kỹ thuật (chuyên gia JICA hỗ trợ xâ dựng)… Cùng với đó, công ty đang tiếp tục cập nhật và hoàn thiện các quy trình về quản lý, vận hành bảo trì đường sắt đô thị và triển khai hoàn thiện dự thảo, xây dựng các quy trình, quy định quản lý nội bộ.

Chúng tôi luôn ý thức rằng, đây là phương thức vận tải công cộng hoàn toàn mới ở Việt Nam, hơn nữa đây còn là biểu tượng cho một đô thị văn minh, hiện đại vốn được người dân Thủ đô và cả nước rất chờ đợi nên mọi sự chuẩn bị phải là tốt nhất. Đến nay, ngoài cơ bản hoàn thành các nội dung trên, Ha Noi Metro còn vinh dự được các đơn vị từ TP.HCM ra học tập kinh nghiệm, phối hợp để đào tạo nhân sự chuẩn bị cho các dự án metro ở cả hai thành phố chuẩn bị vận hành.

Rút ngắn 1/2 thời gian so với xe cá nhân

Khi tuyến đi vào hoạt động, người dân sẽ tiếp cận, sử dụng metro thế nào?

Tuyến metro số 2A là một hệ thống đường sắt đô thị tiên tiến hiện đại với hệ thống hạ tầng và phương tiện chuyên chở hành khách đông, đồng bộ. Tuyến gồm 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng định kỳ, 1 đoàn dự phòng. Mỗi đoàn có 4 toa với chiều dài khoảng 80m, sức chứa lên đến 1.000 khách/lượt. Vỏ tàu được làm bằng thép không gỉ theo theo tiêu chuẩn Châu Âu, mỗi đoàn tàu được lắp 8 động cơ xoay chiều 3 pha.

Đi đường sắt từ Yên Nghĩa đến Cát Linh mất tối đa 20 phút ảnh 1 Giá vé của đường sắt đô thị sẽ được thành phố Hà Nội trợ giá. Ảnh: Như Ý.

Sau khi đi vào hoạt động, metro bắt đầu mở tuyến từ 5h sáng, đóng tuyến vào 23h đêm cùng ngày. Metro có tần suất hoạt động từ 5 đến 6 phút chuyến, ngoài giờ cao điểm 10 phút chuyến; mỗi khi tiếp cận ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống. Tàu có vận tốc tối đa 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân sẽ chạy ở tốc độ 35km/h và tốc độ cho phép chạy đến 65km/h. Với tốc độ trên và được chạy trên đường không có chướng ngại vật, từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh và ngược lại (dài 13,1km) Metro số 2A sẽ chạy trung bình hết 15 - 20 phút. Theo khảo sát, vào giờ cao điểm, quãng đường này với xe máy lưu thông sẽ hết 35 - 40 phút; ô tô là 60 - 70 phút.

Để tiếp cận, sử dùng được đường sắt đô thị số 2A, hành khách cần tiếp cận các nhà ga trên tuyến. Khi đến các ga, hành khách có thể đi lên ga bằng cầu thang bộ hoặc cầu thang máy, khi vào ga hành khách cần tiếp cận thông tin tại mỗi ga và hướng đi trên bản đồ. Sau khi tiếp cận đầy đủ thông tin, hành khách cần mua vé (thẻ cứng) qua quầy bán vé tự động hoặc quầy bán vé truyền thống. Tại đây hành khách sẽ được hướng dẫn, tiếp nhận đầy đủ thông tin về chuyến đi của mình.

Ông có thể cho biết giá vé metro và khả năng kết nối với các loại hình vận tải cộng cộng khác?

Qua thực tế và khảo sát giá vé metro tại một số thành phố trên thế giới, chúng tôi thấy rằng, với cách tính phổ thông cho quãng đường 6,5 km, giá vé metro có mức thấp nhất là 0,8 đô la (khoảng 18.000 đồng); giá cao nhất là 2,2 đô la (khoảng 50.000 đồng). Từ thực tế trên, Ha Noi Metro cũng tiến hành khảo sát trên 1.500 người dân Hà Nội sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cùng với 93% ý kiến mong muốn sớm được đi lại bằng đường sắt đô thị, đa phần các ý kiến được hỏi cũng sẵn sàng chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30-37%; giá vé tháng cao hơn 15 đến 20%.

Tuy nhiên, với tuyến metro số 2A đầu tiên của Hà Nội, hình thức bán vé sẽ là hành khách đi bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Giá vé cũng được tính toán theo các phương án đang được áp dụng với loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt. Cụ thể, giá vé metro được tính toán dựa vào khả năng chi tiêu của người dân và không vượt quá 10% thu nhập theo quy cách tính của Chính phủ. Bên cạnh đó, giá vé metro cũng có tính cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác. Từ mức trên, chúng tôi đã xây dựng các phương án giá trình lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Ngoài cơ sở tính toán trên, tất cả các phương án giá của Metro số 2A đều được UBND thành phố trợ giá như xe buýt.

Để phục vụ tuyến Metro số 2A đi vào hoạt động, Trung tâm điều hành Giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT) sẽ đưa ra phương án điều chỉnh các tuyến buýt hoạt động theo hướng từ kết nối dọc sang kết nối ngang để gom khách và nhận khách từ các ga đường sắt đô để vận chuyển đi các hướng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.