Theo phương án này, từ bến xe Yên Nghĩa đi ga Cát Linh dài hơn 13 km, tàu chỉ di chuyển hết 15 đến 20 phút. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là cần kết nối với các phương tiện công cộng khác khi lên, xuống mỗi ga.
Hết nửa thời gian so với xe cá nhân
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Ha Noi Metro) cho biết, theo dự kiến, 13 đoàn tàu của dự án sẽ được Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) vận hành thử để khớp nối các thông số kỹ thuật trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, sau đó chủ đầu tư sẽ đưa dự án vào khai thác thương mại (chở khách) chính thức trước Tết Nguyên đán.
Theo Giám đốc Ha Noi Metro, tuyến Metro số 2A là hệ thống đường sắt đô thị tiên tiến, hệ thống thiết bị hiện đại, chuyên chở số lượng hành khách lớn. Tuyến gồm 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng định kỳ, 1 đoàn dự phòng. Mỗi đoàn có 4 toa với chiều dài khoảng 80m, sức chứa lên đến 1.000 khách/lượt. Vỏ tàu được làm bằng thép không gỉ theo theo tiêu chuẩn châu Âu, mỗi đoàn tàu được lắp 8 động cơ xoay chiều 3 pha.
Đề cập đến phương án vận hành đang được Ha Noi Metro hoàn thiện, ông Trường cho biết, sau khi đi vào hoạt động, tuyến Metro số 2A bắt đầu hoạt động từ 5h sáng, kết thúc vào 23h đêm cùng ngày. Metro có tần suất hoạt động từ 5 đến 6 phút chuyến, ngoài giờ cao điểm 10 phút chuyến; mỗi lần tiếp cận ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống. Tàu có vận tốc tối đa 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân sẽ chạy ở tốc độ 35km/h và tốc độ cho phép chạy đến 65km/h. Với tốc độ trên và được chạy trên đường không có chướng ngại vật, từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh và ngược lại (dài 13,1km) Metro số 2A sẽ chạy ổn định hết 15 - 20 phút/lượt.
Theo khảo sát, vào giờ cao điểm, quãng đường trên với xe máy lưu thông sẽ hết 35 - 40 phút; ô tô là 60 - 70 phút.
Cần kết nối đồng bộ
Liên quan đến phương án giá, ông Trường cho biết, giá vé metro được tính toán dựa vào khả năng chi tiêu của người dân và không vượt quá 10% thu nhập của người dân theo quy cách tính của Chính phủ. Bên cạnh đó, giá vé metro cũng có tính cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác. Từ mức trên, Cty đã xây dựng các phương án giá trình lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Ngoài cơ sở tính toán trên, tất cả các phương án giá tàu đô thị đều được UBND thành phố trợ giá như xe buýt.
Đánh giá về các thông số hoạt động của tuyến metro đầu tiên ở Thủ đô, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, so với các công trình, dự án cầu hoặc đường bộ khi đi vào hoạt động còn phải tính đến thực trạng giao thông đi lại, tuy nhiên với đường sắt đô thị, do đi trên đường riêng, không có xung đột, giao cắt với các dòng phương tiện khác nên các chỉ số về thời gian lưu thông được đưa ra sẽ thực hiện được. “13 km đường nội đô mà chỉ đi hết 15 đến 20 phút là một bước tiến trong VTCC tại Hà Nội hiện nay, tốc độ này so với đi xe cá nhân, thậm chí xe buýt BRT là nhanh gần gấp đôi ”, ông Liên đánh giá.
Tuy nhiên, để tuyến đi vào hoạt động có hiệu quả, phát huy được các mục tiêu đầu tư, ông Liên cho rằng, đường sắt đô thị chạy ở trên cao đang là điều lạ lẫm với người dân Thủ đô và cả nước. Để người dân kịp làm quen, tiêp cận thì cùng với công tác vận hành thử, các đơn vị có liên quan cần tổ chức, bố trí phương án tiếp cận, kết nối giữa các loại hình khác với metro. Với xe buýt, phải có những điểm đón, trả khác gần các nhà ga; với 2 ga đầu, cuối là Cát Linh và Yên Nghĩa phải có những khu vực dừng đỗ, hoạt động cho taxi, xe ôm, thậm chí là bãi đỗ xe cá nhân… nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho hành khách đi lại.