PGS.Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội:

ĐH Việt Nam rất cần được xếp hạng

ĐH Việt Nam rất cần được xếp hạng
TPO - Việc nhóm nghiên cứu độc lập vừa công bố bảng xếp hạng đầu tiên đối với 49 trường ĐH Việt Nam cho thấy vấn đề xếp hạng ĐH đang gặp rất nhiều vướng mắc và nhiều ý kiến trái chiều. Theo GS. TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội thì bảng xếp hạng của nhóm nghiên cứu rất đáng hoan nghênh. Tuy ĐH Quốc gia Hà Nội xếp vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng nhưng GS.TS Nguyễn Hữu Đức vẫn cho rằng nhóm nghiên cứu cần phải khắc phục một số hạn chế chưa hoàn thiện. Đồng thời, ông cũng chỉ ra một tiếp cận khác cho xếp hạng giáo dục ĐH tại Việt Nam.

Khi được hỏi cảm giác của mình trước bảng xếp hạng 49 trường ĐH của nhóm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết đây là thông tin rất đáng quan tâm vì lần đầu tiên có một kết quả xếp hạng các trường đại học trong nước. Những năm  gần đây, Việt Nam đã tham gia các bảng xếp hạng quốc tế, nhưng quay đi quay lại cũng chỉ thấy tên của hai ĐH quốc gia và vài ĐH nữa xuất hiện. Còn những trường ĐH khác cộng đồng có rất ít thông tin xác định chất lượng và hiện trạng để  người dân có thể tin tưởng gửi con em vào học. Một số quốc gia khác cũng có bảng xếp hạng của riêng đất nước họ ngoài tham gia bảng xếp hạng quốc tế. Hơn nữa, trong bối cảnh trình độ phát triển ĐH của ta còn khiêm tốn, bảng xếp hạng riêng,  có sân chơi riêng để có nhiều trường ĐH Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng là cần thiết và đáng được hoan nghênh, khuyến khích.

Bên cạnh đó, mục tiêu của bên tổ chức và cả bên tham gia bảng xếp hạng bao giờ cũng nhắm đến việc cung cấp thông tin về chất lượng, đặc trưng, đặc điểm thế mạnh của các trường ĐH để phục vụ cho việc sinh viên lựa chọn vào trường. Một số bảng xếp hạng công bố 2 lần trong năm, nhưng hầu hết các bảng xếp hạng chỉ công bố một lần vào đợt nghỉ hè, hoặc trước khi mùa tuyển sinh của các trường ĐH trên thế giới bắt đầu cũng hướng đến mục tiêu trên.

Không có bảng xếp hạng nào thỏa mãn tất cả các trường ĐH

Sau khi bảng xếp hạng được công bố, nhóm nghiên cứu cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Về quan điểm của mình, GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng dù có mong muốn thế nào thì một bảng xếp hạng không thể thỏa mãn tất cả các trường ĐH và mọi người. Mỗi bảng xếp hạng chỉ đủ  khả năng để quan tâm tới một số tiêu chí, một số hoạt động của trường ĐH. Mỗi nhóm làm xếp hạng có quan điểm riêng.

“Ví dụ như bảng xếp hạng của ĐH Giao thông vận tải Thượng Hải, mục tiêu của họ là quan tâm tới nghiên cứu đỉnh cao. Vì vậy, họ đưa ra bộ tiêu chí cao đến mức phải có giải Nobel. Nếu hướng đến mức độ số hóa của  một trường ĐH như thế nào thì bảng xếp hạng Webometrics chỉ quan tâm  xem  các tài nguyên số nội sinh của trường…” – GS. Nguyễn Hữu Đức nói.

Tuy nhiên, GS. Đức cho hay, hiện nay, cũng như xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam  đang bắt đầu quan tâm đến các hoạt động đổi mới sáng tạo. Có nghĩa là ĐH không chỉ dừng lại có bao nhiêu bài báo, có bao nhiêu  lần trích dẫn mà quan trọng nhất là có bao nhiêu phát minh sáng chế và khả năng vốn hóa tri thức ra sao.

Mỗi bảng xếp hạng có nỗ lực, mục tiêu, bộ tiêu chí riêng, không thể bao hàm được hết tất cả các nội dung hoạt động liên quan đến chức năng của một trường ĐH. Hơn nữa, có những hoạt động mà sản phẩm không thể đo đếm được.

Tương lai nào cho xếp hạng ĐH ở Việt Nam?

Đi sâu vào xếp hạng ĐH, GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, với mỗi bảng xếp hạng luôn có hai nguồn dữ liệu để cân đong đo đếm theo tiêu chí. Đó là nguồn dữ liệu do các trường cung cấp và nó chỉ chiếm khoảng 50% trọng số. Còn nguồn dữ liệu thứ hai (cũng 50%) là do các tổ chức phải tự thu thập một cách độc lập với trường.

“Các bài báo khoa học, ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của các nhà tuyển dụng là những dữ liệu hết sức quan trọng để đánh giá một trường ĐH” – GS. Nguyễn Hữu Đức cho hay. Bởi theo ông, ý kiến của các nhà khoa học độc lập là để xác minh thông tin chất lượng và uy tín về đội ngũ giảng viên, GS, PGS đào tạo của trường. Ý kiến của các nhà tuyển dụng là để xác minh chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo.

GS.Đức cũng cho biết, hiện nay, trên thế giới có hai hướng tiếp cận xếp hạng. Một hướng là xếp hạng vị trí (ranking), một hướng là vừa xếp hạng theo nhóm (rating). Tiếp cận thứ hai này tích hợp rất mạnh với phương pháp kiểm định. Theo đó, xu hướng thứ hai là hướng tới các nhóm trường và đánh giá theo kiểu gắn sao như QS Star. Từ bộ tiêu chí của QS Start, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng hướng đến ĐH định hướng nghiên cứu cho tất cả các trường ĐH thành viên của mình trong 4 năm qua.

“Mỗi bảng xếp hạng đều có điểm mạnh và ý nghĩa của nó. Cách xếp hạng theo nhóm rất gần với tiếp cận kiểm định chất lượng. Rất nhiều tiêu chí, rất chi tiết, đánh giá trong một khoảng điểm và phù hợp với các ĐH của Việt Nam” – GS. Đức nói.

Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, xếp hạng theo nhóm là một hướng đi phù hợp, vừa tránh được sự cạnh tranh vị trí không cần thiết, vừa khắc phục được các sai số đã chứa đựng trong xếp hạng vị trí.  

Hiện nay, trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục, nhóm nghiên cứu của GS Đức đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô hình trường đại học đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo kế hoạch, nhóm sẽ áp dụng cách tiếp cận của QS Star và mở rộng thêm các nhóm tiêu chí phản ánh hết tất cả các đặc trưng của đại học 4.0. Hy vọng, ĐHQGHN sẽ cung cấp cho các trường ĐH Việt Nam một bộ công cụ đánh giá và xếp hạng đối sánh trên một cổng điện tử trực tuyến, hỗ trợ các trường tự đánh giá, đối sánh mức độ thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhận xét về bảng xếp hạng của nhóm chuyên gia, GS. Nguyễn Hữu Đức đưa ra 3 hạn chế cần hoàn thiện.

Thứ nhất là số liệu cứng nhắc, chưa có ý kiến của các nhà tuyển dụng trong tiêu chí chất lượng đào tạo. Trong khi đó, đây lại là tiêu chí quan trọng đối với bất kỳ bảng xếp hạng nào.

Thứ hai, bộ tiêu chí chưa thể hiện nguyên tắc thống nhất đa dạng, không có sự khác biệt giữa các nhóm trường, lĩnh vực khác nhau.

Thứ ba là thiếu ý kiến của các nhà khoa học độc lập đánh giá về uy tín khoa học và tầm ảnh hưởng xã hội của các trường.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.