ĐH Phan Thiết tuyển gấp ba lần chỉ tiêu cao đẳng

ĐH Phan Thiết tuyển gấp ba lần chỉ tiêu cao đẳng
Không chỉ “nổi tiếng” vì tình trạng “ba không”, Đại học (ĐH) Phan Thiết còn tuyển vượt hàng trăm chỉ tiêu và xét tuyển vào những ngành chưa được phép.
ĐH Phan Thiết tuyển gấp ba lần chỉ tiêu cao đẳng ảnh 1
SV ĐH Phan Thiết sau giờ học giáo dục quốc phòng ở một doanh trại quân đội tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết (ảnh chụp lúc 17g20 ngày 5/11) - Ảnh: Đ.T.Duy (Tuổi Trẻ)

ĐH Phan Thiết đã mạnh dạn ra quyết định công nhận trúng tuyển với hàng trăm sinh viên (SV) tuyển vượt chỉ tiêu, đặt sai phạm này vào tình trạng “đã rồi” trước khi báo cáo Bộ GD-ĐT...

Gấp ba chỉ tiêu và tự... mở ngành

Sau một thời gian kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thanh tra, ngày 2/11, ĐH Phan Thiết gửi công văn báo cáo về việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2009.

Đây là năm đầu tiên trường đi vào hoạt động. Trường được Bộ GD-ĐT cho phép mở năm ngành bậc ĐH gồm: công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, tiếng Anh và ba ngành bậc cao đẳng (CĐ): kế toán, quản trị kinh doanh và tiếng Anh với tổng chỉ tiêu là 750. Trong đó, 500 chỉ tiêu ĐH và 250 chỉ tiêu CĐ.

Nhưng trong công văn của ĐH Phan Thiết báo cáo bộ đầu tuần này, con số SV trúng tuyển của trường lên tới khoảng 1.250, vượt gần... 500 SV so với tổng chỉ tiêu. Số 500 SV tuyển vượt này tập trung ở hệ CĐ.

Không chỉ thế, ĐH Phan Thiết còn tự ý mở và xét tuyển hàng trăm SV vào hai ngành công nghệ thông tin và Việt Nam học hệ CĐ. Đây là hai ngành trường chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo. Như vậy, so với số chỉ tiêu được phép tuyển là 250, tổng số trúng tuyển hệ CĐ của ĐH Phan Thiết đã đạt con số kỷ lục 300%.

Thanh tra có bỏ sót?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến ngày 30/7/2009, mọi quyết định liên quan đến việc mở ngành của ĐH Phan Thiết mới được hoàn tất. Ngay lập tức, trường này nhanh chóng thông báo tuyển sinh trên các phương tiện thông tin địa phương và “tiếp thị” tận các trường vùng sâu, vùng xa không chỉ ở tỉnh Bình Thuận.

Ngay sau đó, trường tổ chức cho thí sinh ghi danh vào trường trước cả thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển NV2. Phải nhắc lại thời điểm này, ĐH Phan Thiết chưa thành lập hội đồng tuyển sinh nên tuyển sinh chỉ có nguyên tắc duy nhất: ghi danh thì trúng tuyển.

Một lý do nữa khiến số lượng lớn thí sinh tìm đến ĐH Phan Thiết là trường này đã “linh hoạt” vận dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh. Nhờ vậy, trường đã thu hút tối đa những thí sinh có điểm thi thấp nhưng được hưởng mức ưu tiên khu vực cao hơn bình thường.

Chiều 5/11, Bộ GD-ĐT có công văn chính thức trả lời ĐH Phan Thiết. Ngoài việc không chấp nhận đề nghị xin bổ sung tăng chỉ tiêu theo kiểu sự đã rồi, công văn này cũng yêu cầu trường phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có các hình thức xử lý kỷ luật thích hợp với những cá nhân, đơn vị có liên quan đã để xảy ra “sai sót” tuyển vượt chỉ tiêu và tuyển vào những ngành chưa được phép đào tạo.

Bộ yêu cầu báo cáo kiểm điểm và quyết định về việc kỷ luật đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan phải gửi về bộ trước ngày 15/11/2009.

Tuy nhiên, diễn biến công tác tuyển sinh của ĐH Phan Thiết hoàn toàn trái ngược với những gì được ghi nhận trong đợt “kiểm tra công tác chuẩn bị đầu năm học” đối với ĐH Phan Thiết diễn ra ngày 18 và 19/10 của Bộ GD-ĐT, sau khi phản ánh về tình trạng “ba không” ở trường ĐH này.

Sau một ngày kiểm tra mọi mặt hoạt động của trường, trong đó có công tác tuyển sinh năm 2009, bản báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Văn Chiến - Chánh thanh tra giáo dục - phụ trách đã khẳng định: “Tổng số thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ và nhập học là 694, đạt 92,93% so với tổng chỉ tiêu đã xác định”.

Bản báo cáo của tổ kiểm tra còn thống kê cụ thể số SV trúng tuyển và nhập học hệ CĐ của trường là 257 SV, chỉ vượt chưa đầy 3% so với chỉ tiêu được giao.

Lý giải về việc này, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho biết, nguyên nhân là do sai sót từ phía nhà trường. Bà Hà nói do phương thức xét tuyển của trường đã gửi giấy nhập học cho tất cả thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển.

Theo bà Hà: “Vào thời điểm Bộ kiểm tra, trường mới có hai quyết định công nhận trúng tuyển ĐH và CĐ với 694 thí sinh. Sau đó, do thí sinh tiếp tục đến nhập học, trường phải công nhận trúng tuyển bổ sung nên mới bị vượt chỉ tiêu...”.

Nhưng trên thực tế, thời điểm mà đoàn của Bộ GD-ĐT đến kiểm tra ĐH Phan Thiết là đã kết thúc thời hạn nhận hồ sơ và công bố kết quả, nhập học đối với kỳ tuyển sinh 2009 từ lâu. Số SV trúng tuyển của trường - theo báo cáo của đoàn kiểm tra - đã được trường tổ chức học môn giáo dục quốc phòng - an ninh đầu năm học (?).

Chuyển SV “thừa” sang trường khác

Trong công văn trả lời ĐH Phan Thiết vừa ký chiều 5/11, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định, trường chỉ được tổ chức đào tạo năm ngành ĐH và ba ngành CĐ theo đúng quyết định cho phép mở ngành của Bộ này hồi tháng 7/2009.

Bộ cũng yêu cầu trường chỉ tổ chức đào tạo đúng 750 chỉ tiêu tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT xác định.

Bà Hà khẳng định, “với năng lực đào tạo của ĐH Phan Thiết hiện nay, Bộ GD-ĐT không thể phạt hành chính (phạt tiền) và khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm sau nhưng vẫn cho trường đào tạo số tuyển vượt như những trường khác”.

Vậy đối với 500 SV đã bị trường xét tuyển vượt chỉ tiêu sẽ được giải quyết ra sao?

Bà Trần Thị Hà cho biết: “Sau khi cân nhắc, Bộ GD-ĐT quyết định hướng giải quyết sẽ chuyển số SV đã trúng tuyển vào hệ CĐ vượt chỉ tiêu của ĐH Phan Thiết sang một trường khác còn năng lực đào tạo.

Tất nhiên, việc điều chuyển này dựa trên cơ sở nguyện vọng, tự nguyện của thí sinh. Đối với những thí sinh không có nguyện vọng được đào tạo ở cơ sở do Bộ GD-ĐT lựa chọn, ĐH Phan Thiết sẽ phải hoàn trả đầy đủ các khoản kinh phí thí sinh đã nộp cho trường và thanh toán các khoản kinh phí phát sinh khác (đi lại, tàu xe, ăn ở...) cho các thí sinh rút hồ sơ không học tại trường.

Cơ sở đào tạo được lựa chọn để tiếp nhận số SV trên là ĐH Mở TP.HCM. Theo bà Hà, trên cơ sở trao đổi với ĐH Mở TP.HCM, Bộ GD-ĐT trao nhiệm vụ cho trường cùng ĐH Phan Thiết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thí sinh được tiếp tục học tập ổn định theo nguyện vọng. ĐH Mở TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp CĐ cho số SV này theo quy định hiện hành.

Bà Hà cũng nhấn mạnh: “Các SV được quyền lựa chọn có thể học tại cơ sở đào tạo của ĐH Mở TP.HCM ở TP.HCM hoặc tại cơ sở đào tạo liên kết đặt ở Bình Thuận”.

Trả lời câu hỏi liệu có xảy ra việc giao cho ĐH Mở TP.HCM chỉ mang tính hình thức để trường này liên kết đào tạo với chính ĐH Phan Thiết, bà Hà khẳng định: “ĐH Phan Thiết tuyệt đối không được dính líu đến việc đào tạo gần 500 SV CĐ tuyển vượt chỉ tiêu.

ĐH Mở TP.HCM sẽ liên kết với Trường CĐ Cộng đồng Bình Thuận để tổ chức đào tạo và cấp bằng. ĐH Phan Thiết chỉ phối hợp với ĐH Mở TP.HCM để thực hiện việc bàn giao hồ sơ đăng ký xét tuyển, hồ sơ SV và các thủ tục liên quan khác”.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thu - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh ĐH Mở TP.HCM - cho biết, bà chỉ mới trao đổi nhanh với lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH chiều 5/11. Vì vậy, bà cho biết trước mắt trường chỉ thông tin với Bộ rằng, trường còn chỉ tiêu và có khả năng tiếp nhận. Phương án tiếp nhận, tổ chức đào tạo như thế nào sẽ còn phải tính toán nhiều.

Riêng với Trường CĐ Cộng đồng Bình Thuận, ông Nguyễn Phan Hưng, hiệu trưởng nhà trường, nói, trường chưa nhận được thông báo gì. Tuy nhiên, nếu phải tiếp nhận SV sẽ rất khó khăn bởi khác ngành học và một số ngành đã quá tải.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG