Thưa giáo sư, chuyến đến Trường Sa này có ý nghĩa ra sao đối với một nhà khoa học sưu tầm nhiều tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam suốt những năm qua?
Tôi có tới hơn 20 năm nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi cũng đi hầu khắp các đảo ven bờ, nhiều địa phương trong nước và nhiều cơ sở có tư liệu trên thế giới. Trong nhiều cuộc trao đổi, thuyết trình, giới thiệu mà gần đây nhất giới thiệu tư liệu chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, có nhiều người hỏi tôi đã đến Trường Sa chưa. Tôi nói thật rằng tôi rất xấu hổ thừa nhận là chưa. Tôi có nguyện vọng, khao khát được một lần đến Trường Sa. Phải nói đây là duyên may, cơ hội để tôi kiểm nghiệm lại những nghiên cứu của mình từ 20 năm nay. Tôi thấy tất cả tư liệu đó là đầy đủ, xác thực và góp phần giúp cho tôi lí giải nhiều điều mà trước đây tôi chưa tự tin trả lời cho lắm.
Cụ thể những điều mà ông lý giải được liên quan chủ quyền trong chuyến đi này?
Một ví dụ nhỏ nhưng là vấn đề rất lớn: Đó là tư liệu nói rằng thời Chúa Nguyễn chúng ta thành lập đội Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa này sử dụng 8 thuyền câu, 70 người chia nhau đi ra biển, tháng 2 đi tháng 8 về để thực thi chủ quyền của Chúa Nguyễn, kiểm tra kiểm soát đảo và kết hợp khai lượm hóa vật, hải vật mang về cho Chúa Nguyễn. Mặc nhiên tư liệu đó nói rất rõ rằng hồi đó chúng ta thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa-nay gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc biện minh rằng đấy chẳng qua là huyền thoại, chứ làm sao chiếc thuyền câu nhỏ có thể đi ra biển lớn như vậy.
Ra vùng biển Trường Sa, từ đảo Song Tử Tây đến các đảo khác, chúng tôi gặp rất nhiều thuyền nhỏ, nhiều thuyền của ngư dân ven bờ ra vùng biển này đánh cá, thậm chí họ không sử dụng phương tiện hiện đại. Trước ngày đoàn đến Trường Sa, quanh đảo rực sáng đèn của những thuyền ngư dân nhỏ như thế. Mùa này sóng êm thuyền nhỏ đi bình thường, dù có vất vả hơn thuyền lớn. Họ hoàn toàn có thể mang lương thực, dự trữ nước ngọt, thậm chí tận dụng nước mưa và khai thác nguồn nước ở đảo trong quá trình ra đây. Trải nghiệm như vậy cho thấy, câu chuyện sử chép về đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền hoàn toàn là thực tế. Nếu không đến Trường Sa, chỉ ngồi nhà thì thật khó giải thích.
Là một trong những người trực tiếp nhìn qua kính ngắm Huy Gơ và Gạc Ma Trung Quốc chiếm đóng trái phép, giáo sư thấy thế nào?
Đến Trường Sa, tôi rất muốn nhìn tận mắt những công trình đó vì trước đó chỉ đọc qua các báo mạng, tài liệu của Philippines, Mỹ và một số không ảnh. Ấn tượng mạnh nhất là khi đang nằm trong phòng, ban chỉ huy tàu 571 thông báo sắp đi qua đá Huy Gơ mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đang xây dựng công trình trên đó. Dù khá xa, chúng tôi lên cabin và được cung cấp ống nhòm thấy những công trình rất đồ sộ. Tại đảo Sinh Tồn, đứng trên hải đăng qua kính ngắm nhìn về Gạc Ma, tôi thấy đây là công trình quân sự đồ sộ, kiên cố mà Trung Quốc xây trên khu bãi đá năm 1988 họ cướp chiếm của ta, bắn giết chiến sỹ giữ đảo của ta. Đau quá chứ. Tôi nghĩ tới các tài liệu của Trung Quốc, nói một cách ngắn gọn là họ hòng độc chiếm biển Đông. Họ nói rằng đấy là lợi ích cốt lõi, họ nói đường lưỡi bò bao lấy 80% diện tích biển Đông có từ thời kỳ nhà Hán. Tôi không thể tưởng tượng nổi họ dựng lên câu chuyện quái đản đến vậy.
Tôi nghĩ rằng Gạc Ma bây giờ gần như là trọng điểm để họ tỏa ra chiếm biển Đông, thực hiện chiến lược đưa Trung Quốc trở thành siêu cường trên thế giới. Có thể nói đây là điều cực kỳ nguy hiểm, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới. Đây là cửa ngõ tỏa ra thế giới, là con đường hàng hải nhộn nhịp hàng thứ hai thế giới, mà không chỉ các nước Đông Nam Á mà cả thế giới có lợi ích ở đây. Trung Quốc giờ muốn độc chiếm, kiểm soát toàn bộ. Tôi nghĩ rằng tham vọng đó khó có thể thực hiện được. Thế giới nhận thấy âm mưu đó và họ đều lên án. Tôi tin rằng, Trung Quốc càng mở rộng, sự lên án của thế giới đối với hành động này càng mạnh mẽ hơn. Đó cũng là thuận lợi cho chúng ta trong đấu tranh chủ quyền, nếu biết đoàn kết sức mạnh và lực lượng thế giới chống lại mưu đồ độc chiếm biển Đông, chúng ta sẽ thành công.
Cảm ơn ông!