Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông

Ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập ngày 14/2 cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng, cảng biển. Ảnh: Inquirer
Ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập ngày 14/2 cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng, cảng biển. Ảnh: Inquirer
TP - Ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước một số phát biểu của phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã mở rộng, bồi đắp lấn biển quy mô lớn tại các đảo, đá mà theo phía Trung Quốc, Việt Nam “chiếm giữ” ở biển Đông, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982. Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN”. Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông; không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên biển Đông, ông tuyên bố.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc gần đây, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ có công hàm gửi Phái đoàn thường trực các nước tại LHQ, trong đó khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của Trung Quốc ở biển Đông và cho rằng, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là những quan điểm sai trái và không có bất kỳ cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như thực tế nào. Ngày 30/4/2015, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại LHQ bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc”.

Tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, tuyên bố, Mỹ phản đối những hành động của bất cứ bên nào khiến tình hình phức tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như gây tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định khu vực. Những hành động như cải tạo, xây đảo nhân tạo hoặc quân sự hóa các khu vực tranh chấp đã tạo nên hiệu ứng này và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông mà Trung Quốc ký kết với các nước ASEAN năm 2002.

Ông Russel tái khẳng định, Mỹ không phải là một bên yêu sách chủ quyền ở biển Đông, nhưng quan tâm sâu sắc việc các đòi hỏi chủ quyền diễn ra như thế nào. Mỹ ủng hộ các nước đòi chủ quyền phù hợp Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Mỹ ủng hộ quyền khiếu kiện ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm với Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển và không ủng hộ việc nước này lấn lướt, bắt nạt nước khác. Mỹ phản đối việc cưỡng ép hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp.

Philippines lo Trung Quốc áp đặt ADIZ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 7/5 tuyên bố, Trung Quốc không loại trừ khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển đảo tranh chấp ở biển Đông. “Vấn đề thiết lập ADIZ phụ thuộc việc xuất hiện nguy cơ nào đó cũng như nhiều yếu tố khác cần phải tính đến”, Xinhua dẫn lời bà Hoa nói.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Philippines hôm 7/5, Phó Đô đốc Philippines Alexander Lopez nói rằng, Trung Quốc mới đây đưa máy bay tới khu vực tranh chấp trên biển Đông, có ít nhất 6 lần cảnh cáo lực lượng không quân và máy bay hải quân Philippines tại khu vực. Báo Philippines Philstar dẫn lời nhiều chuyên gia nói rằng, có thể Trung Quốc đang kiểm tra để xem họ có thể áp đặt ADIZ trên quần đảo Trường Sa hay không. Một chuyên gia địa chính trị Philippines hôm 7/5 nói rằng, Trung Quốc có thể sớm tuyên bố ADIZ trên biển Đông vì khuôn khổ cho động thái đó đã thành hình.

Theo ông Richard Javad Heydarian, giảng viên quan hệ quốc tế và khoa học chính trị ở Đại học De La Salle (Philippines), việc cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc trên đá Chữ Thập sẽ là chất xúc tác trong khu vực để Bắc Kinh tuyên bố ADIZ. “Trung Quốc chưa tuyên bố bất kỳ hình thức ADIZ nào, nhưng bộ khung của ADIZ đã thành hình”, ông Heydarian trả lời phỏng vấn kênh tin tức Philippines ABS-CBN. Ông nói rằng, ADIZ trên đá Chữ Thập sẽ cho phép Trung Quốc xua đuổi những nước khác khỏi các bãi, đá, đảo… mà họ đang kiểm soát. Theo ông, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đá Chữ Thập vì nơi đây sẽ đóng vai trò trung tâm chỉ huy và kiểm soát các hoạt động của họ ở Trường Sa. Các tiền đồn Trung Quốc trên đá Chữ Thập sẽ cắt đứt đường tiếp tế của những nước đang quản lý các đảo, bãi cạn, đá ngầm khác, chuyên gia Heydarian nhận định.

Trước đó, ngày 15/4, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, nói rằng, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu thiết lập ADIZ trên biển Đông như nước này đã làm trên vùng biển Hoa Đông tranh chấp, chồng lấn với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hải quân Nhật, Philippines lần đầu tập trận chung ở biển Đông

Reuters dẫn lời các nguồn tin từ Nhật Bản và Philippines nói rằng, trong đợt tập trận chung CUES ngày 12/5 trên biển Đông, hải quân hai nước sẽ tập luyện xử lý tình huống bất thường trên biển theo thỏa thuận Philippines và Nhật Bản ký từ hồi tháng 1 nhằm thắt chặt hợp tác an ninh. “Đợt tập trận sẽ không xa bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham (bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012 sau cuộc đối đầu 3 tháng với Philippines)”, Reuters dẫn nguồn tin từ Nhật Bản. Bài tập sẽ kéo dài 2 giờ trong vùng biển Philippines gần Vịnh Subic, nơi có căn cứ cũ của Hải quân Mỹ, với sự tham gia của 1 tàu chiến Nhật Bản và 1 tàu khu trục Hải quân Philippines, phát ngôn viên Hải quân Philippines cho biết.

MỚI - NÓNG