Cần tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ về vấn đề biển Đông

Từ trái qua, ba hạ nghị sĩ Alan Lowenthal, Matt Salmon và Tom Emmer trong cuộc gặp các phóng viên Việt Nam sáng 6/5. Ảnh: Trúc Quỳnh
Từ trái qua, ba hạ nghị sĩ Alan Lowenthal, Matt Salmon và Tom Emmer trong cuộc gặp các phóng viên Việt Nam sáng 6/5. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Kết thúc chuyến thăm 4 ngày đến Việt Nam, Hạ nghị sĩ Mỹ Matt Salmon nói rằng Mỹ đang tham vấn các nước trong khu vực để có tiếng nói thống nhất, rõ ràng và mạnh mẽ về vấn đề biển Đông.

Ông Matt Salmon, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cùng hai Hạ nghị sĩ Alan Lowenthal và Tom Emmer có cuộc gặp với các phóng viên Việt Nam sáng 6/5 tại Hà Nội. Ông Salmon cho biết, ông là người bảo trợ cho một nghị quyết về biển Đông của Quốc hội Mỹ. “Tôi dự định tổ chức một phiên điều trần về nghị quyết đó sau khi trở về từ chuyến thăm này”, ông Salmon nói. Vị Hạ nghị sĩ Mỹ cho biết, trong cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam hôm 5/5, ông đã bày tỏ quan ngại về các tranh chấp hàng hải, đánh bắt cá, và thái độ hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

Ông Salmon cho biết, ta cần có một tiếng nói, quan điểm nhất quán trong vấn đề này. Đây không phải vấn đề riêng của Mỹ, nên Mỹ sẽ tham vấn các nước khác trong khu vực để có tiếng nói chung rõ ràng và mạnh mẽ.

“Mỹ đang tham vấn các nước liên quan. Mỗi nước đều có quan ngại riêng. Nhưng tôi khẳng định, đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ không chỉ bàn bạc trong Quốc hội mà còn sẽ có sức ép lên chính quyền Mỹ, để đưa ra những quan điểm mạnh mẽ và rõ ràng”, ông Salmon nói.

“TPP giúp khuếch đại tiếng nói của Việt Nam”

Hạ nghị sĩ Salmon cho rằng, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển của Việt Nam năm ngoái, tiếng nói của Việt Nam đã được lắng nghe, và tiếng nói này sẽ được khuếch đại khi kết hợp với nhiều nước khác. Khẳng định Mỹ luôn kêu gọi các vấn đề hàng hải phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao, ông Salmon cho rằng, tiếng nói của Việt Nam sẽ tăng lên theo cấp số nhân khi tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những đối tác kinh tế mạnh và khi các nước trong khu vực cùng một tiếng nói.

Ông Salmon nói rằng, trong chuyến thăm 4 ngày ở Việt Nam, ông và hai đồng nghiệp đã có những trao đổi thẳng thắn với phía Việt Nam về những quan ngại riêng cũng như cam kết của phía Mỹ liên quan TPP. Một trong những lý do của chuyến thăm là ở Mỹ đang có thảo luận về việc trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống nhằm thúc đẩy đàm phán TPP. “Tôi tin rằng trong 12 nước đang tham gia đàm phán TPP, Việt Nam có thể sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Mối quan hệ đối tác hiện nay được xây dựng là đối tác kinh tế, nhưng thực chất ý nghĩa còn lớn hơn như vậy. TPP không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa địa chính trị, trong bối cảnh đang có những quan ngại về khu vực biển Đông”, ông Salmon nói.

Trong khi đó, ông Lowenthal, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết, ông đại diện một phần bang California và một lượng lớn người Mỹ gốc Việt đang sinh sống ở đó. “Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở Việt Nam và tôi tin rằng những vấn đề khúc mắc sẽ được giải quyết”, ông Lowenthal nói.

Về khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam, Hạ nghị sĩ Matt Salmon cho rằng, việc này phải tiến hành từng bước một. “Khi quan hệ được cải thiện dần, lòng tin tăng lên sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác”, ông Salmon nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.