Đến trường để thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nguyễn Đức Toàn là học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM. Trước khi thành phố thực hiện lệnh giãn cách bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, Toàn và em gái được mẹ đưa về quê Quảng Ngãi tránh dịch.

Gần đây, hai anh em theo mẹ quay lại thành phố và Toàn được đưa đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để kịp cho việc đến trường.

“Ngoài quê không có vắc xin, trong khi cô giáo chủ nhiệm nói nếu không tiêm sẽ không được đi học, tôi phải tức tốc dẫn con vào và đưa con đi tiêm để chuẩn bị cho ngày đến trường”, chị Thi, mẹ của Toàn, nói.

Qua bao trắc trở, cuối cùng Toàn cũng được trở lại trường học và hôm qua, 13/12 là ngày đầu tiên Toàn cùng khoảng 150 nghìn học sinh khối lớp 9 và lớp 12 ở TPHCM đã đến trường sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh.

Cảm xúc chung của học sinh là phấn khởi, hào hứng bởi được thoát khỏi tình trạng gò bó, luôn phải dán mắt vào màn hình học trực tuyến mỗi ngày, và bởi lâu ngày mới được gặp thầy cô, bạn bè để giao lưu, trò chuyện, vui chơi…

Hầu hết các trường học ở TPHCM đã mở cửa và tuyệt đại đa số phụ huynh sẵn sàng đưa con đến trường. Mặc dù vậy, đâu đó vẫn có những sự lo âu hiện trên gương mặt phụ huynh và cả thầy cô giáo bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Dù hiếu động, song học sinh vẫn rất nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch, đồng thời cẩn trọng, dè dặt khi tiếp xúc, trò chuyện với những người xung quanh. Sự cẩn trọng để bảo vệ mình và cộng đồng là bài học mọi người, nhất là giới trẻ, học được trong hoàn cảnh dịch bệnh vừa qua.

Chính quyền TPHCM quyết tâm đưa học sinh đến trường và đó là một trong những cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, dù những bước đi còn khá dè dặt.

Thành phố cũng đã tiên lượng những tình huống có thể xảy ra khi tái mở cửa trường học và xây dựng các kịch bản ứng phó thích hợp. Ngay cả khi xuất hiện F0 cũng có phương án giải quyết để tiếp tục duy trì các lớp học, thay vì hoảng loạn và lập tức đóng cửa trường như trước.

Điều đó cho thấy sự chủ động của thành phố trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Người dân cũng vì thế cảm thấy an tâm hơn khi cho con đến trường.

Trong giai đoạn thí điểm, thay vì mệnh lệnh cứng nhắc, thành phố có chủ trương linh hoạt để các cơ sở giáo dục tự chuẩn bị và quyết định thời điểm mở cửa trường cũng như triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhờ đó, các cơ sở giáo dục phát huy được sự chủ động, sáng tạo của mình.

Không chỉ được thu nạp kiến thức một cách hiệu quả, khi đến trường, học sinh còn được rèn luyện để phát triển tốt hơn về thể chất lẫn các kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng tự bảo vệ, ứng phó khi có các tình huống bất trắc xảy ra, kể cả dịch bệnh.

Học sinh sẽ rất khó hình thành được những kỹ năng hữu ích đó khi phải giam mình trong phòng và học qua mạng. Và vì vậy, việc đến trường cũng là cách để học sinh rèn luyện, thích ứng tốt nhất với hoàn cảnh mới vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

MỚI - NÓNG