Đến năm 2030, Kiên Giang xây dựng thành tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam bộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Kiên Giang xác định mục tiêu đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng thành một tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam Bộ.

Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI, trong những năm qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã nâng lên nhận thức, xác định vị trí, vai trò của tỉnh Kiên Giang là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

Đến năm 2030, Kiên Giang xây dựng thành tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam bộ ảnh 1

Tỉnh Kiên Giang thúc đẩy phát triển TP. Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư lớn

Theo đó, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 bình quân đạt 7,22%/năm; thu nhập bình quân đầu người 54,42 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kinh tế biển phát triển khá toàn diện, chiếm tỷ trọng ngày càng cao (chiếm gần 80% GRDP của tỉnh); nhiều công trình, dự án trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, du lịch của tỉnh cũng có bước phát triển khá mạnh, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thu ngân sách năm 2020 đạt 11.850 tỷ đồng, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,69%.

Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tỉnh Kiên Giang trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, từ đó tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Kiên Giang thành một tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam bộ. Hạ tầng và môi trường đầu tư tại Kiên Giang hấp dẫn đủ thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ.

Song song đó, TP. Rạch Giá kết nối thông suốt với hai cực tăng trưởng là Phú Quốc và Hà Tiên, hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế thương mại dịch vụ hướng biển. Đến năm 2030, Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng ĐBSCL đối với du khách và nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.

Tập trung nguồn lực phát triển Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang, để đạt được kết quả trên, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội cần triển khai quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nội dung, nhiệm vụ Chương trình hành động của tỉnh trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, xây dựng TP. Rạch Giá là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng ĐBSCL. Xây dựng TP. Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, du lịch ven biển; có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái. Xây dựng TP. Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển-đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết thêm, tỉnh sẽ phối hợp với bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến cao tốc Hà Tiên -Rạch Giá-Bạc Liêu (Đông-Tây); tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh (kết nối với tỉnh Cà Mau ở phía Nam); hệ thống cảng biển theo quy hoạch quốc gia; mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch và đầu tư cảng hàng không Rạch Giá.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch Kiên Giang trong mối quan hệ liên vùng, gắn với ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ và các nước theo hành lang kinh tế ven biển phía Nam, khu vực ASEAN.

Đến năm 2030, Kiên Giang xây dựng thành tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam bộ ảnh 2
MỚI - NÓNG