Theo đại diện JAL, hành khách tại sân bay Haneda có thể trả 4.500 yên (30 USD) cho mỗi túi hành lý được chuyển thẳng từ sân bay đến các khách sạn. Việc này giúp giảm bớt tình trạng hành khách và hành lý phải chen chúc trên các chuyến tàu, xe buýt và tàu điện ngầm đông đúc của Tokyo, cũng như mang đến trải nghiệm du lịch thú vị cho hành khách. Hãng bay cam kết sẽ giao hành lý trong cùng ngày, trừ khi thời tiết hoặc giao thông gặp trục trặc.
Reuters cho hay, du khách không cần phải bay cùng JAL mới được sử dụng dịch vụ giao hành lý, bởi dịch vụ này cũng dành cho cư dân Nhật Bản. Nhưng riêng hành khách của JAL, khi sử dụng dịch vụ sẽ được cộng 50 điểm thưởng bay thường xuyên vào tài khoản.
Dịch vụ du lịch không hành lý sẽ gửi vali đến thẳng khách sạn thay vì trả ở sân bay cho du khách. Ảnh: Reuters. |
Hiện dịch vụ chỉ giới hạn ở việc trả hành lý tại khách sạn, cho nên mọi người không thể yêu cầu giao hành lý đến các căn hộ cho thuê ngắn ngày dạng Airbnb, nhà riêng hoặc bất kỳ loại hình chỗ ở nào khác.
“Dịch vụ này có tại sảnh đến nhà ga 3 của sân bay Haneda từ 4 giờ sáng đến 6 giờ chiều hàng ngày. Dịch vụ sẽ giao hành lý đến các khách sạn ở 14 trong số 23 quận của Tokyo, bao gồm các khu du lịch nổi tiếng như Shinjuku, Shibuya và Chuo (nơi có khu phố Ginza)”, JAL thông báo và cho biết họ hy vọng có thể mở rộng phạm vi giao hành lý trong tương lai.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), tình trạng quá tải du lịch đã trở thành vấn nạn ở Nhật Bản, kể từ khi đất nước này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID -19.
JNTO thống kê, trong 9 tháng năm nay, du khách đến nước này đã phá vỡ kỷ lục chi tiêu khi đạt 5,86 nghìn tỷ yên (khoảng gần 40 tỷ USD, tương đương gần 970 nghìn tỷ đồng) từ việc đồng yên mất giá.
Khách du lịch Nhật Bản tăng mạnh. Ảnh: Reuters. |
Hãng tin Nikkei cho biết, Nhật Bản ước tính chi tiêu của du khách nước này sẽ đạt 8.000 tỷ yên (tương đương 50 tỷ USD) trong năm nay. Bởi, ngành công nghiệp không khói đang trên đà trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ hai của đất nước mặt trời mọc, chỉ sau ô tô và vượt qua ngành linh kiện điện tử.
Hiện nay du khách tập trung ở ba khu vực đô thị lớn gồm các tỉnh Tokyo, Saitama, Chiba, Kanagawa, Aichi, Kyoto, Osaka và Hyogo, cao hơn mức 62,7% vào năm 2019.
Theo nhiều chuyên gia du lịch, việc đồng yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD khiến Nhật Bản trở thành một điểm đến vừa túi tiền với du khách nước ngoài... Tuy nhiên, điều này khiến giao thông ở nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng thường xuyên rơi vào tắc nghẽn. Thậm chí, không ít nơi phải xem xét tăng phí vào cửa và giá cho thuê phòng, nhất là đối với du khách quốc tế.