Ðêm ngủ Gành

Ðêm ngủ Gành
TP - Ðêm Gành Cả thường là đêm thức. Ðêm trắng. Bởi trai tráng của làng đang ở hết Hoàng Sa, Trường Sa, với nghề chính lặn đêm. Buổi tối trong bờ gọi ra không ai nghe, vì người ngoài ấy đang ở dưới lòng biển sâu hết rồi. Nối hai đầu đêm, người trong Gành đau đáu, người ngoài khơi đêm trên biển và dưới lòng biển đều rập rình mong manh như nhau. Tôi lại nhớ những đêm ở Hoàng Sa, giấc ngủ chập chờn. Mơ về những ghềnh bãi nơi đất liền…

Đêm ở Gành Cả, gió vặn mình len qua những ngõ chài hun hút. Làng có vẻ từ thuở khai thiên lập địa đã bờ bãi nhấp nhô. Nên nhà cửa bây giờ nem nép lên xuống quanh co theo những triền dốc. Thấp thỏm vài ánh đèn từ những ngôi nhà như đốm mắt tàu đêm mắc vào lưới biển.

Nhà ông Tiêu Viết Là ở trên đỉnh con dốc bê tông một đầu vắt tuột xuống bãi biển Vũng Tàu. Gọi vậy, vì ấy là nơi cất giấu cơ man những xác tàu cổ chìm đắm qua ngàn năm bão tố mà như hồi năm ngoái người ta đã kỳ công đóng cọc ngăn biển khai quật nguyên một chiếc tàu 700 năm tuổi vốn chở đầy cổ vật. Rồi chừng như chưa biết làm gì hơn, bèn vùi lại xuống lòng biển. Giờ thì sóng nước chồm lên, không dấu vết…  

Gió đêm từ cơn bão rớt Melor ngoài biển miết từng cơn lên cánh cửa nhà ông Là. Gõ cửa hồi lâu. Bước vào, vợ chồng ông cùng đứa cháu nội đang nằm đắp chăn bông ở gian nhà ngoài xem “Cô dâu 8 tuổi”. Hai anh con trai Tiêu Viết Lành, Tiêu Viết Vấn giờ này còn đang lặn ngụp ngoài Hoàng Sa.

Về vạn chài Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi lần này, tự dưng tôi chợt xâu chuỗi nhiều chuyện về dòng họ Tiêu Viết. Ông Tiêu Viết Là thì quá nổi tiếng tôi gặp lần đầu hồi giữa năm 2007. Lần đó tàu ông bị lính Trung Quốc bắn xả ở Hoàng Sa khiến ông và năm ngư dân bị thương, rồi họ cướp luôn tàu, giam giữ người, cuối cùng thả các ngư dân lê lết trở về trên chiếc tàu của bạn chài cùng xóm. Thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 90127 Tiêu Viết Bản, tháng Bảy vừa rồi giữa Hoàng Sa dù bị tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt, vẫn bất chấp lao tới phá vòng vây cứu tàu bạn đang bị chết máy thả trôi giữa Hoàng Sa. Hậu quả tàu ông Bản bị lính Trung Quốc khống chế đập phá, cướp đi toàn bộ máy móc, hải sản trị giá nửa tỷ đồng. Là những thuyền trưởng sói biển Tiêu Viết Mân, Tiêu Viết Thường, Tiêu Viết Hồng. Ðến Tiêu Viết Thuận, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 90181 lại gắn với ngư dân “huyền thoại” Trần Minh Sang. Sang, 23 tuổi, quê Vạn Ninh, Khánh Hòa, theo tàu ông Thuận đánh bắt ở Trường Sa, năm ngoái hụt chân rơi xuống biển không ai hay biết, đã bơi suốt 25 tiếng đồng hồ giữa biển đêm, may mắn được một tàu hàng Philippines vớt lên. Nhưng kỳ dị hơn phải là chuyện ông Tiêu Viết Thảo. Năm 1994, ông Thảo theo tàu  vào Nam đánh cá, bị rớt xuống biển, được tàu cá Campuchia vớt lên, nhưng “mải chơi”, mãi đến gần 20 năm sau ông mới chịu khăn gói về nhà!

Ðêm ngủ Gành ảnh 1

Tộc trưởng Tiêu Viết Chiêm bên nhà thờ họ Tiêu Viết.

Lúc chiều, trên đường về Gành Cả, tôi ghé thăm nhà thờ họ Tiêu Viết ở thôn Phú Quý. Nơi thờ tiền hiền Tiêu tộc nổi danh nghề biển xứ Bình Châu là căn nhà ba gian nhỏ cũ đơn sơ nằm kế bên đồng cỏ voi cao ngút mắt. Ông trưởng tộc 69 tuổi Tiêu Viết Chiêm nhà ở sát bên thong thả rót nước, kể với khách lạ rằng nhà ông đang ở trên đất tổ, và có chức phận “làm tôi cho ông bà”. Rằng mấy trăm năm trước, cụ tiền hiền Tiêu Viết tại đây là bậc thứ hai, có 3 người con, chia nhau ra lập ấp, một ở Phú Quý, một ở Lệ Thủy cũng Bình Châu đây, và một ở Thu Xà, huyện Tư Nghĩa cách ba chục cây số về phía Nam. Hàng năm cứ đến ngày giỗ tổ 12/8 âm lịch, con cháu họ Tiêu Viết từ khắp nơi tề tụ dưới mái nhà đơn sơ này…

Câu chuyện theo chén trà nghi ngút khói chiều mưa lạnh. Khi tôi hỏi về ông Thạnh một thợ lặn cự phách và có 16 năm liền là Trưởng công an xã. Ông Chiêm mới cười, bảo ông Tiêu Viết Thạnh ấy nay lên núi trồng tiêu rồi. Thì ra họ Tiêu ngoài nghề đi biển, gần đây còn chí thú với cà phê, hồ tiêu trên mãi Gia Lai, Ðắk Lắk mỗi kỳ biển động. Nghe kể có cả một xóm Tiêu Viết đông vui trên ấy.

*  *  *

Ðiếu thuốc bập đỏ lừ soi gương mặt sạm rắn đanh như đá núi lửa bên Gành Cả của ông Tiêu Viết Là. Ngó vẻ ông đang nghĩ đến hai đứa con trai đang khuya khoắt lặn ngụp ngoài Hoàng Sa. Ông kể, hồi tháng 3/2010, khi ông cùng hai đứa con Tiêu Viết Lành 25 tuổi, và thằng em Tiêu Viết Vấn mới 18 bị dẫn giải từ tàu lên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đám lính Trung Quốc còn chẳng thèm bịt mắt như mấy lần trước. Bởi đây là lần thứ tư kể từ năm 2006 ông bị bắt lên đây, đã nhẵn mặt mọi ngóc ngách trên đảo, còn gì mà giấu giếm. Thậm chí, ảnh ông cùng nhiều bạn tàu đã dán sẵn trên tường. Ðận ấy, mấy cha con ông trải qua một tháng rưỡi bị giam hãm bầm dập trên đảo Phú Lâm. Chiếc tàu QNg 50362 nhỏ xíu 70 sức ngựa mà ông vay mượn mua lại của người ta mới được hơn một tháng cũng bị cướp mất.

Những trận đòn Hoàng Sa khiến sói biển ngót bốn mươi năm trời quen gối đầu trên sóng dữ nay gần như tàn phế, không còn đứng thẳng lưng được nữa. Lại thêm bệnh hở van tim mới phát lộ. Người đàn ông tuổi mới ngoài ngũ tuần chỉ còn biết quanh quẩn vào ra. Nhưng ông còn một gia sản nữa không ai có thể tàn phá cướp bóc được, đó là hai đứa con trai. Khi cha kiệt sức, con đưa vai ra gánh. Chiếc tàu cá QNg 90648 được coi là lớn nhất trong cả cuộc đời đi biển của ông Là, công suất tới 770 sức ngựa, trị giá trên 2,5 tỷ đồng do hai con ông vay mượn ngân hàng đóng mới cách đây vài tháng, đang đi những chuyến biển đầu tiên. Vẫn lại Hoàng Sa, Trường Sa...

Ðêm Gành Cả thường là đêm thức. Ðêm trắng. Ai một lần ở lại đêm xứ này đều biết. Bởi trai tráng của làng đang ở hết Hoàng Sa, Trường Sa. Và đêm là thời gian làm việc chính của những người chuyên nghề lặn biển xứ Bình Châu này. Vụ ngư dân Trương Ðình Bảy trong xóm bị bắn chết ở vùng biển Cỏ May - Vành Khăn (Trường Sa) mới đây cũng xảy ra lúc sẩm tối. Khi các ngư dân xuống các thúng tỏa ra xa tàu mẹ vài hải lý để lặn biển, trên tàu chỉ còn thuyền trưởng và ông Bảy nấu bếp. Ðêm trên biển và dưới lòng biển đều rập rình mối đe dọa như nhau.

Ðêm nay cũng là một đêm dài như vậy ở nhà ông Bùi Tấn Công. Chong đèn chuyện trò với khách lạ trong ngôi nhà nhỏ nằm thấp sát mé biển gió Gành Cả rít trên đầu, ông Công bảo Ðài trực canh Icom của làng thường chỉ trực và gọi ra biển ngày hai lần vào 7 giờ sáng và 7 giờ tối. Còn buổi tối gọi không ai nghe, vì người ngoài ấy đang ở dưới lòng biển sâu hết rồi.

Nhưng nỗi thấp thỏm trắng đêm của ông Công giờ đây hướng về đứa con trai độc nhất đang nằm trong buồng chỉ cách một bức tường. Ngư dân 24 tuổi Bùi Tấn Ðoàn, nửa năm trước bị tàu Trung Quốc áp sát xịt thẳng vòi rồng khiến người bị bắn tung lên, chân trái gãy làm hai khúc. May rơi xuống kịp bám vào đống dây thừng nơi mũi thuyền, không đã bay xuống biển mất xác. Chuyến ấy ông Công đi trên tàu khác, thấy tàu của con bị truy sát dữ dội mà không biết làm gì. Ðoàn, nay trở trời vẫn còn đau nhức, chỉ đi lại tập tễnh, không biết còn ra biển được không. Ðiếu thuốc chốc chốc lại cháy đỏ trên tay lão ngư Gành Cả. Vẫn gương mặt đá tảng đầu gành…

*  *  *

Làng tôi gần Sa Kỳ, thêm một đỗi đường nữa là tới Gành Cả. Xưa đời ông, đến đời cha tôi thời trai trẻ đã ngược xuôi với biển cũng từ mỏm đất Ba Làng An lừng danh này. Nhiều đêm về ngủ làng, nghe những tiếng vọng rất lạ. Như tiếng sóng, lại nhiều lúc mơ hồ như tiếng đá vỗ trên non. Cho đến một hôm, về làng, tiếng vọng ấy dẫn bước tôi lên ngọn núi Thình Thình gần nhà. Trên đỉnh núi, trong sân rêu xanh rì của ngôi chùa cổ Viên Giác, đầu cây gậy trúc trong tay vị sư già trăm tuổi Thích Vĩnh Trường vỗ xuống mặt đất vọng lên những tiếng thì thùng như vỗ trống. Chỉ nội khuôn viên chùa, bước ra ngoài tiếng vọng không còn nữa. Nên chùa còn có tên Thình Thình. 

Ðêm ngủ Gành ảnh 2

Nhà đá ong ở đá Gành.

Ðêm ngủ Gành. Tiếng biển vỗ vào gành đêm tôi chợt nghe thấy thanh âm cũng dị biệt như ngôi cổ tự trên đỉnh Thình Thình. Thanh âm  kể về trầm tích xứ Gành, là câu chuyện của biển - những người đàn ông - và đá.

Ði trong làng, lâu lâu bắt gặp những ngôi nhà tường đá ong vàng nghệ như ở xứ Ðoài miền Bắc. Người dân bảo đằng sau lớp xi măng vôi ve trên tường nhiều nhà, bên trong cũng chính là đá ong. Trầm tích những ngọn đồi đá ong, quần thể đá bazan, cột đá balad án ngữ vòng cung nơi cửa Gành, là minh chứng về ngọn núi lửa từng vùng quẫy nơi đây hàng triệu năm về trước, cùng lúc với những miệng núi lửa kỳ vĩ trên đảo Lý Sơn. Một cửa biển sạm đen, rắn rỏi chất chồng đá, như chính những người đàn ông xứ Gành. Ðá ngồi, đá nằm, đá dựng. Nhiều chỗ đá rải đều như những bàn chân bước mãi ra khơi.

… Sớm tinh sương, bãi Gành thông thốc gió lạnh cuốn theo bụi mưa cùng cồn cào sóng bạc. Mùi nhang trầm phảng phất từ phía Lăng vạn Vũng Tàu. Lăng do dân vạn chài xây dựng sát mép sóng Gành Cả từ bao giờ không rõ, là nơi trú đậu tinh thần của những đời ngư phủ từ thuở còn tay không chân trần trên manh thuyền mỏng đạp sóng gió ra khơi. Trong lăng đang thờ bộ cốt khổng lồ của cá Ông.

Dưới tán bàng dang rộng trổ lộc xuân trước thềm lăng, cụ Võ Bình, 82 tuổi cùng các con trai đang soạn mâm cúng. Cụ Bình cũng chính là người được dân tín nhiệm phong làm chủ vạn chài, chuyên làm chủ tế các lễ lạt của vạn. Riêng gia đình, con trai cụ, anh Võ Văn Thái cho biết, năm hai lần vào đầu năm và cuối năm, gia đình đến đây dâng phẩm vật cúng tạ biển, tạ ơn trời đất.

Cách đó không xa, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Ðồng và Trần Thị Kiều đang co ro gỡ xếp manh lưới nhỏ bên chiếc thuyền thúng. Rải rác có khoảng chục cặp vợ chồng như vậy. 3 giờ sáng, khi những ngư dân trên các tàu cá giữa khơi xa hoàn tất phiên lặn đêm, gỡ bỏ đồ lặn, ống hơi lên tàu ngủ vùi lấy sức, thì trong gành, những người đàn ông như Ðồng bắt đầu chèo thúng ra cách bờ vài trăm mét để thả lưới bắt các loại tôm cua cá nhỏ ven bờ. Ðồng kể, mùa hè bơi ghe, còn mùa đông sóng săn quá phải đi thúng. Lặn ngụp kéo mành, đập lưới trong làn nước lạnh cắt da suốt 4 tiếng đồng hồ, khi lên bờ gỡ lưới may mắn nhặt ra được một, hai cân cá vụn bán được trăm ngàn đong gạo là mừng rồi.     

Cuộc sống cứ nhẫn nại nơi đầu sóng. Dưới Vũng Tàu kia, những con tàu cổ vẫn giấc ngủ vùi dưới lòng biển. Chở giấc mơ không thời gian... 

Nghe bảo dải Gành đá Bình Châu - Lý Sơn đang được các chuyên gia lập hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Trong tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ” của Bùi Minh Quốc, thấy tả một cái hang đá kỳ thú nằm dưới gành phải lặn sâu xuống mới vào hang được. Hôm rồi vừa ngồi với nhà văn Bùi Minh Quốc. Hỏi ông về Sa Kỳ hồi đó. Ông bảo những năm tháng chiến tranh từng “đứng chân” ở Gành bên dưới núi Thình Thình. Làng chài xác xơ hoang vắng, dân bị đưa hết vào khu dồn. Người vợ thứ hai của ông quê hương cũng tại mảnh đất Bình Sơn này. Hèn chi xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh anh bộ đội miềN Bắc tên Ðàm đóng quân ở Sa Kỳ, với những vần thơ chép trong sổ tay đầy ám ảnh: “Sa Kỳ của tôi, Sa Kỳ của tôi/ Xóm Gành, xóm Bãi, xóm Mồ Côi/Thân thương quá nơi ta từng đổ máu/Cho mỗi hàng cây, mái lá/con người…” . 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.