Đêm đầu tiên Đại tướng về đất Mẹ

Đêm đầu tiên Đại tướng về đất Mẹ
TP - Đêm đầu tiên Đại tướng an nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yến có thông reo, sóng vỗ, vầng trăng đầu tháng trên bầu trời quê hương. Đêm đầu tiên ấy có những chuyện chưa từng xảy ra ở vùng đất này…

> Hành trình tiễn đưa Đại tướng từ Hà Nội về đất Mẹ
> Người dân Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng sáng nay

Đêm đầu tiên an lành Đại tướng về đất Mẹ
Đêm đầu tiên an lành Đại tướng về đất Mẹ.

Ánh mặt trời cuối cùng đã tắt, bóng tối mênh mông bao phủ lên Vũng Chùa – Đảo Yến. Hoa sen tạo vòng sáng lung linh huyền ảo quanh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những bông hoa cúc trên mộ tỏa sắc vàng tươi. Ánh nến trên bàn thờ phía trước soi rõ bức chân dung uy nghiêm của người.

Tôi nhìn thấy màu đất tươi mới bên mộ. Tay chạm vào đất và bỗng cảm thấy một cảm giác linh thiêng kỳ lạ xâm chiếm. Đêm đầu tiên Đại tướng về với đất Mẹ trở nên thật khác ngày thường.

Chiều nay, tôi đứng rất gần và chứng kiến giây phút hạ huyệt. Chiếc quan tài màu đỏ phủ cờ Tổ quốc từ từ hạ xuống. Khoảnh khắc chạm đất, quan tài như rung nhẹ. Cả trăm nghìn người dự lễ tang lặng đi trong phút tiễn biệt. Những nắm đất nhỏ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thả xuống, gương mặt ông trĩu nặng ưu tư.

Mấy người cháu của Đại tướng cứ nhìn đăm đăm về phía chiếc quan đỏ đất đang lấp dần lên. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dù sức khỏe yếu, đi phải có người dìu nhưng phút cuối đã cố nhoài người ra nhìn xuống linh cữu Đại tướng...

Hàng tiêu binh cầm súng lưỡi lê sáng quắc, đội quân nhạc cử bài “Hồn tử sĩ”. 5 giờ chiều, nắp mộ màu đỏ phủ lên, Đại tướng đã hòa vào đất Mẹ.

Gia quyến trước bàn thờ Đại tướng
Gia quyến trước bàn thờ Đại tướng.

Rồi nhiều người dân được vào viếng mộ, cả rừng cúc vàng từ dưới núi cứ nhích lên. Phút chốc ngôi mộ Đại tướng phủ đầy hoa tươi.

Bóng chiều đổ xuống nhưng rất đông người dân vẫn đi vòng quanh mộ tiễn biệt Đại tướng. Chị Nguyễn Thị Lĩnh tận Cà Mau bắt xe đò đến đây, khóc nấc lên: “ Con vượt nghìn cây số đến chỉ mong có được giây phút này. Con xin một nắm đất thiêng để đưa về đất Mũi”…

Chị Lĩnh quỳ xuống cầm một nắm đất bỏ vào chiếc túi rất đẹp đã chuẩn bị sẵn từ trước…

Đêm chầm chậm xuống… Những hàng người chầm chậm từng bước vào viếng mộ trên tay cầm hoa đăng tạo nên một con đường rực sáng.

Sau lễ an táng Đại tướng, hôm qua và hôm nay rất đông người dân đổ về Vũng Chùa - Đảo Yến để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mọi người xếp hàng ngay ngắn để đi lên viếng mộ. Trong đó, có rất nhiều người từ các tỉnh xa đến.

Rồi những người dân đến từ khắp nơi đành vĩnh biệt Đại tướng, nhường không gian riêng cho gia quyến làm những thủ tục tâm linh. Trong ánh sáng cuối ngày, các vị sư mặc áo vàng, đi vòng quanh mộ tụng kinh.

Tôi nhìn thấy ở góc xa, một người phụ nữ mặc quân phục, đội mũ tai bèo, tay cầm hoa cúc đang khóc lạy ngôi mộ Đại tướng. Hỏi chuyện mới hay chị tên Nguyễn Lan đi thanh niên xung phong, được gặp Đại tướng năm 1967. Khi biết Lan quê ở Quảng Bình và mồ côi cha mẹ, Đại tướng đã nhận làm cháu.

Kể từ đó, Lan trở nên lạc quan yêu đời và lập được rất nhiều chiến công trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hay tin Đại tướng mất, chị Lan đeo khăn vàng, lặn lội từ Hướng Hóa (Quảng Trị) về đây, chỉ mong được dâng bông cúc vườn nhà lên mộ bác Giáp. Một nghìn chiến sỹ phục vụ lễ tang giờ mới có dịp chậm rãi từng bước thắp nhang và đi vòng quanh mộ người.

Những người khách cuối cùng cũng đã nói lời tiễn biệt. Con cháu Đại tướng giờ mới có một khoảng lặng thực sự để cúi đầu tưởng niệm người cha, người ông của mình. Sau biết bao nhiêu việc phải làm cho một đám tang lịch sử mà cả triệu người quan tâm dõi theo, dường như giây phút này đây, họ mới thực sự có thời gian để khóc.

Tôi nhìn thấy những người con, người cháu của Đại tướng trang phục màu đen, quấn khăn tang đứng lặng trước bàn thờ phía trên ngôi mộ, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Phút sinh ly tử biệt, rồi đây ai cũng phải trở về nhà, chỉ còn Đại tướng với đất Mẹ thôi.

Dòng người tiếp nối vào viếng mộ
Dòng người tiếp nối vào viếng mộ.

Trăng lên. Trăng đầu tháng lơ lửng giữa trời, Vũng Chùa - Đảo Yến trở nên đẹp lạ thường. Những đồi thông rì rào trong gió và dưới kia, từng con sóng nhỏ lấp lánh ánh trăng vỗ nhẹ vào bờ cát trắng mịn nguyên sơ. Dù sắp có bão lớn ngoài khơi, không khí ở nơi đây vẫn thanh khiết trong lành.

Từ ngôi mộ Đại tướng, có thể nhìn thấy cả một khoảng không gian mênh mông trời biển trước mặt. Phía sau sừng sững dãy Hoành Sơn. Ngôi mộ Đại tướng nằm đó, cảm giác an lành. Dường như trong đêm đầu tiên về đất Mẹ người anh hùng dân tộc ấy đã thanh thản, quyện hòa với thiên nhiên, cây cỏ…

Phía dưới núi, thầy giáo Nguyễn Đình Phi, dạy địa lý ở Nghệ An đang thắp nến cầu nguyện cho người. Thầy Phi cầm chiếc Ipad, mở cho tôi xem bản đồ Vũng Chùa - Đảo Yến nhìn từ vệ tinh.

Thầy bảo: “Đại tướng chọn nơi này an nghỉ thể hiện tầm vóc trí tuệ của người. Một ngôi mộ phong thủy tốt phải hội đủ ba yêu tố: bối sơn, diệp thủy, hướng dương. Bối sơn là dựa lưng vào núi, diệp thủy: trước mặt là nước, hướng dương: hướng mặt trời hoặc hướng ra biển. Vũng Chùa- Đảo Yến là đất ngọa hổ tàng long đầu dựa vào dãy Hoành Sơn, một nhánh ngang của Trường Sơn Bắc hùng vĩ, phía trước Vũng Chùa bình lặng nằm trong biển Đông rộng lớn.

Đại tướng gối đầu lên dãy Trường Sơn Bắc chân đạp lên 3 hòn đảo: Hòn Yến, hòn Gió, hòn La, vững thế chân kiềng. Xa hơn nữa là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…”. Thầy Phi luận vậy, thì tôi biết vậy…

Thầy giáo Nguyễn Đình Phi còn cho rằng Vũng Chùa có hướng đông nam, đón ánh sáng thái dương. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng trên thông thiên văn dưới tường địa lý nên đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ ở quê hương Quảng Bình, nơi đó dẫu khi hòa tan vào trời đất thì cũng là chỗ để thấu đạt mọi chuyện của non sông.

Thầy Phi trầm ngâm: “ Phong thủy đẹp cũng chỉ là một yếu tố thôi. Một người như Đại tướng an nghỉ ở đâu thì đó cũng là đất thiêng. Tôi ngẫm thấy Nguyễn Trãi viết rất đúng: “Giặc tan muôn thuở thái bình; Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”. Tôi nghĩ rồi đây, Vũng Chùa - Đảo Yến sẽ trở thành điểm đến của những con dân đất Việt”.

Trên con đường rải đá cấp phối vừa được san ủi cho kịp lễ tang, tôi nhìn thấy hai đứa bé đang nhặt những chai và vỏ lon rỗng mà người dân đã bỏ lại chiều nay. Hai đứa bé mới học lớp 6, trong bóng tối lờ mờ cũng dễ nhận thấy chúng gầy còi đói khổ. Hai đứa nhặt vỏ chai, vỏ lon đi bán để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Mảnh đất nằm dưới chân Đèo Ngang này nổi tiếng “đang nghèo”.

Dù Vũng Chùa - Đảo Yến tuyệt đẹp nhưng người dân vẫn sống bám vào những mảnh ruộng ở nơi chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn. Tôi cứ nghĩ, hình như Đại tướng về đây cũng là muốn sẻ chia với người dân nghèo ở mảnh đất này.

Từ đêm nay, Vũng Chùa - Đảo Yến trở nên linh thiêng- bỗng chốc trở thành nơi mà hàng triệu người dân khắp nơi trên đất nước muốn tìm về. Từ đêm nay, anh linh Đại tướng sẽ làm bạn cùng cỏ cây, biển trời, xa hẳn những chốn lao xao…

Tôi rời khu mộ khi đêm đã rất sâu, tĩnh lặng đến mức nghe rõ cả tiếng thông reo, sóng vỗ. Những âm thanh của hàng trăm nghìn người dân dự lễ tang lịch sử chiều nay, tiếng kèn đồng cử bài Hồn tử sĩ tưởng chừng đã lùi xa nhường chỗ cho một bầu không khí thanh bình, an tịch vẳng tiếng chuông ngân.

Khi tôi ra đến Quốc lộ 1A thì bắt gặp cảnh tắc nghẽn chưa từng thấy. Hàng nghìn chiếc ô tô đến từ mọi miền vẫn đang ứ nghẽn. Nhưng lạ thay, không có cảnh chen lấn, cướp đường như thường thấy, mà từng chiếc xe cứ nhẫn nại lặng lẽ chờ đến lượt mình. Họ đều trở về từ nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Có vẻ như khi lòng lắng lại, rộng mở bao dung thì con đường hẹp cũng trở nên đủ rộng để bất cứ ai cũng có cơ hội cho chính mình. Bao người trước khi rời trên con đường thiên lý, đều ngoái nhìn về Vũng Chùa - Đảo Yến. Tôi cũng nhìn về phía ấy, thấy một vầng trăng treo.

Dòng người vẫn nối dài về Vũng Chùa - đảo Yến

Sau lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào chiều 13/10, hàng vạn người dân đến đưa tiễn đã kiên nhẫn nhích từng bước một trong đêm tối, đợi đến lượt vào viếng và tận mắt nhìn thấy nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng.

Theo một chiến sỹ Biên phòng Quảng Bình phục vụ ở đây cho biết, dòng người cũ vừa kết thúc viếng Đại tướng vào rạng sáng 14/10, lại tiếp nối dòng người mới. Họ đến từ nhiều vùng quê trong cả nước.

Đoàn xa xuất phát cách đây hai, ba ngày, đoàn gần thì đi trong đêm và mang theo nhiều sản vật của quê hương mình để dâng lên Đại tướng. Tuy nhiên, theo quy định của Ban tang lễ, những người đến viếng chỉ được để lại hoa, còn các thứ khác phải mang về.

Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong một cuộc họp trước khi diễn ra lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với gia đình, lãnh đạo ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngỏ ý tài trợ bước đầu 7 tỷ đồng để thuê chuyên gia thực hiện quy hoạch khu vực núi Rồng và Vũng Chùa thành một nơi trang nghiêm phục vụ người dân về viếng Đại tướng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG