Đây là phương án đã được UBND TP.HCM trình xin ý kiến, nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trịnh… kết hợp điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, bổ sung các khu vực dịch vụ logistics lân cận cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Cát Lái - Phú Hữu gồm vùng đất, vùng nước trên sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba rạch Ông Nhiêu đến thượng lưu ngã ba mũi Đèn Đỏ, được quy hoạch khai thác với quy mô hiện hữu, không mở rộng, nâng cấp.
Quyết định số 3655/2017 của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu bến Cát Lái hạn chế đầu tư thêm bến cảng, cũng như thực hiện các giải pháp khai thác để giảm áp lực vận tải lên tuyến đường bộ hiện hữu.
Chỉ xem xét đầu tư thêm bến cảng khi hạ tầng kết nối cảng và hạ tầng giao thông của khu vực cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến để UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan và đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá luồng hàng vào, rời các bến cảng; lưu lượng xe khai thác trên tuyến đường; các xung đột giao thông giữa khu vực cổng cảng và tuyến đường để đề xuất quy mô chiều rộng đường, các nút giao đồng mức, khác mức phù hợp bảo đảm mục tiêu đầu tư đề ra.
Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với Cục để trao đổi thông tin đảm bảo việc kết nối, khai thác các bến cảng khu bến Cát Lái - Phú Hữu hiệu quả.