Giao thông Thủ đô: Nhiều thách thức chờ 'lời giải'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ùn tắc giao thông vẫn diễn ra trên diện rộng, vận tải hành khách công cộng vẫn đơn lẻ và chưa đạt mục tiêu đặt ra, dự án chậm tiến độ và hạ tầng dành cho giao thông vẫn chưa theo kịp sự phát triển của đô thị… là những vẫn đề nổi cộm của giao thông vẫn chờ “lời giải” có hiệu quả.

Thành phố Hà Nội vừa kết thúc Chương trình thực hiện mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020. Đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng: Đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp; Ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của người dân đã từng bước được cải thiện.

Nêu một số kết quả cụ thể, ông Tuấn cho biết: Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với diện tích xây dựng đô thị tăng từ 8,65% năm 2015 lên 10,07% năm 2020, bình quân tăng khoảng 0,3%/năm; công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; công tác tổ chức giao thông được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, linh hoạt với nhiều giải pháp tích cực phát huy hiệu quả các công trình giao thông hiện có, xử lý kịp thời những bất cập trong tổ chức giao thông, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc giao thông.

Giao thông Thủ đô: Nhiều thách thức chờ 'lời giải' ảnh 1

Ùn tắc trên đường phố Hà Nội. Ảnh: T.Đảng

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng; năm 2019 tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được 17,03% nhu cầu đi lại của người dân...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các chuyên gia giao thông cũng chỉ ra những tồn tại, đang là thử thách nhiều năm nay đối với giao thông Thủ đô. Cụ thể: công tác đảm bảo an trật tự toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nếu trước năm 2015 số “điểm đen” ùn tắc là 34 điểm thì sau 5 năm xử lý đến nay vẫn còn tới 27 điểm (đã giải quyết được 7 điểm).

Đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu đề ra, riêng tỷ lệ đất dành cho giao thông hiện nay với khoảng 10% trong khi yêu cầu là 12% trong tổng quỹ đất đô thị; tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của vận tải hành khách công cộng và là lĩnh vực giúp thành phố dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030 vẫn còn thấp, hiện mới đạt 17% trong khi Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân đặt ra là 20% nhu cầu; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành, giám sát giao thông còn chậm và thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT còn chưa thường xuyên, chưa kiên quyết; ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông hàng năm tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao.

Đường vành đai là “xương sống” tạo chuyển biến

Đánh giá những tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực giao thông Hà Nội hiện nay, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, đây là những thách thức lớn của lãnh đạo UBND thành phố từ nay đến năm 2025 trên lĩnh vực phát triển giao thông vận tải nói riêng và đô thị nói chung.

Giao thông Thủ đô: Nhiều thách thức chờ 'lời giải' ảnh 2
Ùn tắc thường xuyên xảy ra tại nhiều tuyến đường

Để cụ thể hóa các Nghị quyết, Chương trình của HĐND thành phố đã thông qua trên lĩnh vực giao thông cho giai đoạn từ nay đến năm 2025, ông Quân cho rằng, UBND thành phố cần huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để tập trung triển khai nhanh, đồng bộ các dự án hạ tầng giao thông, chú trọng đến phát triển các tuyến đường Vành đai để phân bổ phương tiện, giảm lưu lượng xe đi vào nội đô, giảm ùn tắc, xem các tuyến đường Vành đai là “xương sống” tạo chuyển biến giao thông;

Chỉ đạo Sở GTVT, các Sở, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các quận của thành phố trong việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang 180 tuyến phố Thành ủy đã nêu ra trong Chương trình số 03; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, vi phạm về lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao; duy trì trật tự tại các bến xe liên tỉnh, khắc phục tình trạng xe dù, bến cóc, sử dụng xe hợp đồng trá hình hoạt động; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong tổ chức, quản lý giao thông; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác các điểm trông giữ phương tiện tại các tuyến phố…

MỚI - NÓNG