Đề xuất trao quyền cho Chính phủ quyết định giá đất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi trao cho Chính phủ cơ chế đặc biệt điều hành giá, thẩm quyền tạo nguồn cung đất đai, sẽ tối ưu hiệu quả tài nguyên đất, khắc phục tiêu cực bắt tay thổi giá tạo cung cầu giả để thao túng, lũng đoạn thị trường, chuyên gia nhận định.

Nên bỏ khung giá đất

Phát biểu tại Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trường Đại học Tài chính Marketing - Bộ Tài chính tổ chức ngày 9/3 tại TPHCM, TS Nguyễn Văn Vẹn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng, cho rằng, việc bỏ khung giá đất không đồng nghĩa với việc hạn chế vai trò điều hành giá của Chính phủ mà là trao quyền chủ động cho Chính phủ quyết định giá đất, giao đất linh hoạt. Điều này giúp Chính phủ điều tiết thị trường theo cơ chế đặc biệt nhằm phản ứng nhanh với những bất lợi thị trường, tuân theo quy luật cung cầu, tạo ra sự ổn định, tránh lợi dụng khung giá đất cố định để trục lợi, khắc phục tiêu cực do bắt tay thổi giá tạo cung cầu giả để thao túng, lũng đoạn thị trường.

“Tôi cho rằng, đây là sự điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với mô hình kinh tế thị trường ở nước ta. Khi sửa đổi Luật Đất đai lần này, nên mạnh dạn bỏ hẳn khung giá đất do Nhà nước quy định và trao cho Chính phủ cơ chế đặc biệt điều hành giá, thẩm quyền tạo nguồn cung đất đai để tối ưu hiệu quả tài nguyên đất.

Như vậy sẽ giảm phân hóa giàu nghèo, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận các phân khúc nhà ở theo thu nhập khả dụng”, ông Vẹn nói.

Đề xuất trao quyền cho Chính phủ quyết định giá đất ảnh 1

Người dân nộp tiền sử dụng đất tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức, TPHCM

Theo TS Trần Trung Kiên, Giám đốc chương trình Thuế, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cần bổ sung cơ sở xác định giá đất theo nguyên tắc giá thị trường. Đồng thời, xem xét việc định giá đất theo từng mục đích sử dụng khác nhau.

“Không nên xây dựng khung giá đất 5 năm/lần mà cần cập nhật bảng giá đất trong 1 năm. Do đó, cần có cơ sở xác định giá thị trường, đưa ra tiêu chí sát với thị trường để đền bù cho người dân khi thu hồi đất”, ông Kiên nói.

Điều 147 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các khoản thu tài chính từ đất đai. ThS. Tô Thị Đông Hà, Trưởng Bộ môn Luật, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính Marketing, kiến nghị, cần bổ sung đầy đủ các khoản thu này, không dừng lại ở 2 loại thuế như trong dự thảo. Cần có cụm từ mở để bao quát nhiều loại thuế hiện hành và những loại thuế Nhà nước có thể sẽ ban hành, chẳng hạn cụm từ “những nguồn thu khác theo quy định pháp luật” hoặc “những luật thuế khác”.

Điều tiết nguồn thu từ đất

Điều 148 về điều tiết nguồn thu từ đất là quy định hoàn toàn mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo quy định này, Trung ương sẽ điều tiết nguồn thu tài chính từ đất đai để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ chi của các địa phương.

PGS.TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, nguồn thu này cần đảm bảo chi cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và kinh tế - xã hội của đất nước.

Phần còn lại của khoản thu ngân sách nhà nước từ đất đai mới sử dụng cho các mục tiêu khác đề cập tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 148 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành về ngân sách Trung ương để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ, phục hồi đất bị thoái hóa, ô nhiễm.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương quy định việc sử dụng một phần nguồn thu từ đất để hỗ trợ các cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi.

Định lượng rõ “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”

Ngày 9/3, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, dự thảo luật không làm rõ khái niệm thế nào là “có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”; cũng không đưa ra tiêu chí hay phương thức đối sánh trước khi bồi thường và sau khi bồi thường để “định lượng” được việc Nhà nước bồi thường cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay không. Ông đề nghị giải thích rõ khái niệm này, đồng thời bổ sung quy định về một số tiêu chí đánh giá điều kiện sống của người có đất bị thu hồi trước và sau khi Nhà nước thu hồi đất.

THÀNH NAM

MỚI - NÓNG