Vướng mắc trong đầu tư vốn ở DNNN
Là một trong những trụ cột của nền kinh tế, hoạt động đầu tư vốn tại DNNN đang gặp nhiều vướng mắc như: việc đầu tư vốn (bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt. Quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp cũng gặp đủ khó khăn.
Việc quản lý vốn nhà nước được sửa đổi theo hướng chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý dòng vốn. (Ảnh minh họa) |
Là một trong 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT phản ánh, việc đầu tư vốn ở DNNN gặp nhiều vướng mắc. Ông Thái dẫn ví dụ: Tại đề án cơ cấu lại VNPT có nội dung sáp nhập 2 doanh nghiệp hạch toán độc lập vào công ty mẹ. Vì chưa có quy định cụ thể nên khi trình đề án, bộ ngành băn khoăn, đặt giả thiết, 2 doanh nghiệp này thua lỗ sẽ xử lý như thế nào. Nếu theo mô hình hiện nay, khoản lỗ của doanh nghiệp con được xem khoản lỗ vốn của công ty mẹ VNPT. Tuy nhiên, khi sáp nhập về VNPT, khoản lỗ này sẽ thành lỗ vốn nhà nước.
“Trong 10 năm qua, 2 doanh nghiệp con này hoạt động có lãi, được kiểm toán minh bạch. Do thận trọng, bộ ngành đặt giả thiết doanh nghiệp con thua lỗ, chưa tìm ra giải pháp. Chỉ riêng vướng mắc sáp nhập 2 doanh nghiệp con ở trên kéo dài 2 năm, bỏ lỡ nhiều cơ hội của doanh nghiệp. Nếu quy định trong dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Thái cho biết.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DNNN, Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt Luật 69). Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nhiều chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng trao thêm quyền cho lãnh đạo doanh nghiệp.
Dự thảo quy định rõ nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch HĐTV của DNNN. Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng của người lao động. Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, tiền thưởng, ký hợp đồng lao động và trả lương, thưởng gắn với năng suất và kết quả lao động.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đại diện ban soạn thảo Luật 69 sửa đổi cho biết, chính sách quản lý theo hướng Nhà nước là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
“Cuộc cách mạng” về quản lý
Đánh giá về sửa đổi tại Luật 69, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp là cuộc cách mạng, thay đổi tư duy và đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Ông Thành lưu ý, việc đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư là chính đáng và cần tính đến yếu tố khách quan và xem xét đánh giá rủi ro bất khả kháng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nội dung chính sách của dự thảo Luật 69 sửa đổi đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp như các nhà đầu tư khác.
“Nội dung chính sách đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp giống như các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên xem xét nguyên tắc quản trị, công khai minh bạch theo chuẩn đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay”, ông Tuấn lưu ý.
Là cơ quan đại diện cho quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bà Vũ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Kiểm soát nội bộ (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đánh giá, dự thảo Luật 69 sửa đổi theo hướng, cơ quan chức năng chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý theo dòng vốn. Tuy nhiên, bà Nhung băn khoăn, DNNN có nhiều loại, với nhiều mức vốn khác nhau do Nhà nước góp. Hiện nay, DNNN có 51% vốn nhà nước góp trở lên mới có thể chi phối. Với những DNNN có tỷ lệ vốn góp dưới 51% sẽ xử lý quyết định quản lý dòng vốn như thế nào?
“Dự thảo luật quy định quản lý theo dòng vốn. Nhưng việc quản lý dòng vốn rất khó. Tôi đề xuất ban soạn thảo có quy định cụ thể về quản lý dòng vốn để tránh tình trạng như một số vụ việc vừa qua xảy ra, do không quy định cụ thể, tiềm ẩn nguy cơ mất cán bộ”, bà Nhung kiến nghị.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 670 doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% trở lên. Các doanh nghiệp này có tổng tài sản gần 3,8 triệu tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước đầu tư đạt 1,71 triệu tỷ đồng.