Từ đầu năm tới nay, rất nhiều phiên đấu giá cổ phần không thu hút được giới đầu tư, cổ phần “ế thảm”. Số cổ phần bán ra quá thấp so với cổ phần chào bán. Giá đấu bình quân cũng chỉ loanh quanh mức giá khởi điểm. Thực tế này khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Gần đây nhất, phiên đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chỉ bán được 5,44 triệu cổ phần trên tổng số 488,8 triệu cổ phần được đem ra đấu giá. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phần của Vinalines đã “ế” tới gần 99%. Trước đó, cũng nhiều phiên đấu giá không thành công như phiên đấu giá của: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC), Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3)…
Cách đây ít ngày, đại diện Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, theo kế hoạch ban hành từ đầu năm, SCIC đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị trong đó có giao kế hoạch bán vốn tại 122 DN. Tuy nhiên, sau đó yêu cầu phải thực hiện theo quy định mới về bán vốn, SCIC đã dừng các bước triển khai trong năm 2018 đối với một số DN. Tính ra, có 81 DN sẽ triển khai bán vốn trong năm nay và không khả quan như dự tính. Tính đến 11/10, SCIC mới bán vốn thành công tại 8 DN, trong đó bán hết vốn tại 6 DN, bán bớt vốn Nhà nước tại 2 DN, chỉ đạt 9,8% kế hoạch.
Trong khi đó, báo cáo 6 tháng đầu năm của Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, cũng cho thấy, việc thoái vốn nhà nước tại DN, các bộ, địa phương mới triển khai được tại 42 DN, thu về 5.598 tỷ đồng. Trong số đó, có 10 DN thuộc danh sách thoái vốn theo quyết định của Thủ tướng.
Vướng vì sao?
Lý giải về tiến độ bán vốn chậm, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC, ông Nguyễn Chí Thành cho hay, SCIC đang gặp một số khó khăn do triển khai Nghị định số 32/2-2018/NĐ-CP về cơ chế bán vốn mới. Theo đại diện SCIC, nghị định số 32/2018/NĐ-CP và Thông tư số 59/2018/TT-BTC ra đời để tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế bán cổ phần tại DN. Tuy nhiên, hiện cả hai văn bản này trên thực tế lại gây tắc bán vốn tại SCIC.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, việc xác định giá trị DN và giá khởi điểm bán cổ phần tại DN sẽ do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định theo pháp luật về thẩm định giá. Bên cạnh đó, giá khởi điểm bán cổ phần phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 59/2018/TT-BTC liên quan việc xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê và giá trị văn hóa, lịch sử.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia về thẩm định giá, các giá trị này không được quy định cụ thể tại Tiêu chuẩn về thẩm định giá và được cho rằng, đã nằm trong giá trị của nhóm “Tài sản vô hình không xác định được” (dù không thể tách riêng giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm và giá trị văn hóa, lịch sử). “Với yêu cầu xác định giá khởi điểm do đơn vị có chức năng thẩm định giá, giá khởi điểm phải đảm bảo phán ánh tiền thuê đất hằng năm bao gồm các giá trị văn hoá, sở hữu trí tuệ, hoặc phương thức cổ phần đấu giá chào bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, cách thức bán vốn phải thêm nhiều khâu, quy trình khiến công tác bán vốn thực sự gặp nhiều khó khăn, ách tắc và khó gỡ”, đại diện Ban Đầu tư thuộc SCIC nói.
Ông Lai cho rằng, muốn thoái vốn nhà nước tại DN thành công, cần tổ chức bán vốn chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của DN. Bên cạnh đó, cần tiên phong áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù, như bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán dưới mệnh giá...
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN, tổng giá trị DN là 40.672 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 23.084 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 58,8% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược 40,6% vốn điều lệ, bán cho người lao động 0,51% vốn điều lệ.