Không dễ chọn người vận hành Ủy ban quản lý vốn Nhà nước

Không dễ chọn người vận hành Ủy ban quản lý vốn Nhà nước
TP - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để chọn được người đủ năng lực vận hành hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thông qua thi tuyển công khai, minh bạch. Ngoài ra, quá trình hoạt động phải gắn với trách nhiệm cá nhân, nếu xảy ra vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, để lựa chọn nhân sự cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chờ nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được thông qua. Sau khi  có cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ quan chuyên trách mới dựa vào yêu cầu của từng đơn vị trong ủy ban để lựa chọn người phù hợp.

 “Phải chọn được người có đủ năng lực về tài chính, am hiểu các nguyên tắc quản trị DN. Quan trọng nhất phải chọn người có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động của ủy ban này”, ông Long nói.

“Phải thi tuyển để lựa chọn người đủ năng lực và tránh tình trạng dựa vào mối quan hệ bổ nhiệm người đúng quy trình nhưng không xứng đáng. Nhân sự là yếu tố quyết định thành công của mọi việc, vì vậy tôi mong sẽ có hội đồng thi tuyển công khai”, ông Long kiến nghị.

TS Lê Ðăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói:

“Nếu lựa chọn nhân sự từ các bộ đến, họ có thể biết tình hình DNNN nhưng lại mang theo tư duy của bộ đó lâu nay. Liệu điều này có thể giúp ủy ban có cách quản lý hiện đại và thực sự độc lập theo yêu cầu hay không? Ðây là điều tôi rất băn khoăn. Nếu ủy ban không tìm nhân sự là nhà chuyên môn, nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, trường đại học mà chỉ chọn người từ các bộ về, liệu họ có tư duy đổi mới, cách tiếp cận khoa học hay không?”.

Không dễ chọn người vận hành Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ảnh 1

Theo ông Doanh, có tình trạng DNNN không minh bạch thông tin sản xuất kinh doanh và có tới 2-3 sổ sách. Nhân sự của ủy ban phải am hiểu thực tế, biết nhìn ra các “chiêu trò” của DNNN (nếu có), tránh tình trạng cán bộ chỉ dựa trên báo cáo của DN.

Ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chỉ thực hiện chức năng kinh doanh vốn. Vì vậy, quá trình hoạt động không thể áp dụng các quy tắc quản lý công chức, viên chức mà cần dựa trên hiệu quả công việc của từng cá nhân.

Không dễ chọn người vận hành Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ảnh 2
 

“Cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh vốn sa thải luôn, chứ không phải chờ vi phạm, họp mấy lần hội đồng quản trị rồi mới ra được quyết định sa thải. Thậm chí, đối với lãnh đạo trong ủy ban có nguy cơ không hoàn thành đã phải sa thải, phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo”, ông Cung kiến nghị.

Trước lo ngại, “siêu ủy ban” quản lý các “ông lớn” DNNN sẽ gắn với đặc quyền cho cán bộ trực thuộc cơ quan này, chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh nói rằng, chúng ta nên học kinh nghiệm quốc tế.

“Hong Kong trả lương cho nhân sự của cơ quan chống tham nhũng bằng 500% của mức lương của quan chức tương đương. Tuy nhiên, khi còn làm việc, nhân sự này chỉ được nhận lương thực tế như quan chức khác. 400% lương còn lại, Nhà nước gửi vào quỹ. Nếu nhân sự này làm việc tốt, trong sạch đến cuối đời sẽ được nhận 400%. Nếu quá trình làm việc xảy ra vi phạm, tham nhũng, 400% lương sẽ mất và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Doanh nói.

MỚI - NÓNG
Rau củ, quả sẽ liên tục ra Bắc
Rau củ, quả sẽ liên tục ra Bắc
TP - Hàng trăm tấn hàng hóa gồm rau xanh, lương thực thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… đã được các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đưa ra Bắc để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.