Đề xuất Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với người dân khiếu nại ở Thủ Thiêm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, vụ khiếu nại phức tạp, đông người và kéo dài tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thanh tra Chính phủ ban hành 2 bản thông báo kết luận thanh tra từ năm 2018 đến nay nhưng chưa tìm ra hướng xử lý dứt điểm.

Sáng 1/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã tổ chức giám sát về việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ 1/7/2016 đến 1/7/2021 tại TP Thủ Đức.

Báo cáo với Đoàn ĐBQH TPHCM, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn còn phức tạp. Theo ông, nếu TPHCM có 10 vụ thì TP Thủ Đức chiếm đến 4 vụ. Một trong những vụ khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài là tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, từ năm 2018 đến nay, vụ khiếu nại này đã được Thanh tra Chính phủ ban hành 2 bản kết luận thanh tra nhưng chưa tìm ra hướng xử lý dứt điểm.

Cụ thể: Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận số 1483 về việc xác định một phần đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (khu 4,3 ha) đã bị thu hồi sai quy định. Từ đó, TPHCM đã tổ chức khắc phục, giải quyết quyền lợi hợp pháp cho 331 hộ dân có nhà đất bị thu hồi ngoài ranh quy hoạch của dự án. Theo dự kiến, đến tháng 6 năm nay, công tác khắc phục nói trên mới hoàn tất.

Do vẫn còn nhiều trường hợp là các hộ dân có nhà đất bị thu hồi thuộc phạm vi 5 khu phố, 3 phường tiếp tục khiếu nại, đến năm 2021, Thanh tra Chính phủ tiếp tục có thông báo Kết luận thanh tra số 1169 khẳng định nhà đất của các hộ dân này trong ranh quy hoạch dự án khu đô thị Thủ Thiêm và việc thu hồi đất là đúng quy định.

Tuy nhiên, ông Hoàng Tùng cho biết các hộ dân khiếu nại không đồng tình với kết luận này của Thanh tra Chính phủ. Ông kiến nghị Đoàn công tác của Quốc hội cùng Thanh tra Chính phủ có buổi tiếp xúc chính thức, đối thoại với người dân để chính quyền địa phương có cơ sở giải quyết.

Về chính sách đối với các trường hợp khiếu nại tại dự án Thủ Thiêm, ông Hoàng Tùng cho biết liên quan đến khu đất 4,3 ha, 60% số hộ dân đã đồng thuận. UBND thành phố Thủ Đức đang xem xét, giải quyết cho khoảng 12 hồ sơ liên quan đến vấn đề thừa kế và khiếu nại ranh đất. TPHCM cũng đã dự thảo chính sách dành cho người dân thuộc 5 khu phố, 3 phường. Tuy nhiên, vướng mắc còn lại là nguồn vốn giải quyết bổ sung cho 3.000 hộ dân với tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng.

Chủ tịch Hoàng Tùng cho biết, UBND TP Thủ Đức đang là bị đơn của khoảng 400 vụ kiện khác nhau. Đa phần vụ việc đều được ủy quyền cho phòng ban chức năng tham gia đại diện tranh luận trước tòa.

"Không phải lúc nào cán bộ cũng có đủ kinh nghiệm, kiến thức pháp luật để tham gia tranh tụng. Chính quyền các cấp cần có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng trong các vụ kiện vì hiện nay chưa có cơ chế huy động thêm sự hỗ trợ của văn phòng luật sư, tư vấn pháp lý để có thể đại diện cho chính quyền tham gia tranh tụng” - ông Tùng đề xuất.

Đề xuất Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với người dân khiếu nại ở Thủ Thiêm ảnh 1

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng TP Thủ Đức có thể kiến nghị sửa đổi bổ sung những vấn đề khúc mắc vào điều luật trong thời gian tới. Bà yêu cầu TP Thủ Đức tập trung làm tốt phần việc được giao để giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại đông người.

Đối với các vụ việc đơn lẻ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị UBND TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng ban, đơn vị giải quyết trong thời gian sớm nhất.

“Phần lớn việc khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân tại TP Thủ Đức tập trung ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai. Đây là những lĩnh vực phức tạp do quá trình quản lý đất đai nhiều thời kỳ, mỗi giai đoạn có quy định khác nhau dẫn đến bất cập”- bà Tuyết đánh giá.

MỚI - NÓNG