Đề xuất sử dụng vốn ngân sách để tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản gửi HĐND TPHCM về việc đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bằng nguồn vốn ngân sách.

Theo Sở GTVT TPHCM, ngày 26/8/2016, cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác.

Trong bối cảnh ngân sách thành phố còn hạn hẹp và trước tình trạng cấp bách khắc phục sự cố hư hỏng cầu, xét thấy vị trí khu vực sự cố nằm liền kề với dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Công ty IDICO-IDI với UBND TP, UBND TP đã xin ý kiến Chính phủ bổ sung cầu tạm và cầu mới Tân Kỳ Tân Quý vào hợp đồng này. Việc này đã được Chính phủ đồng ý.

Hạng mục cầu tạm đưa vào sử dụng năm 2016. Trong khi đó, dự án xây cầu mới có tổng mức đầu tư 312 tỉ đồng, được khởi công vào quý 1/2018. Trong đó, xây cầu dài 82,9m vượt qua kênh Tham Lương và rộng 16m cho 4 làn xe lưu thông, lề bộ hành rộng 1,5m, đường vào cầu có tổng chiều dài 224,8m.

Theo phụ lục hợp đồng BOT, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1 để hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, khi công trình đạt 70% khối lượng, do vướng mặt bằng nên nhà đầu tư tạm dừng thi công từ năm 2018 đến nay.

Đề xuất sử dụng vốn ngân sách để tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý ảnh 1

Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị "treo" gần 4 năm qua.

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận việc đầu tư BOT cầu Tân Kỳ - Tân Quý để thu phí trên quốc lộ 1 không thích hợp với lợi ích của nhà đầu tư và của người sử dụng. Ngoài ra, dự này cũng không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm dự án BOT trên đường hiện hữu).

Thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, UBND TPHCM đã có quyết định tạm dừng dự án này theo hình thức BOT.

UBND TPHCM đã yêu cầu các sở ngành rà soát, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn công. Đồng thời, các sở ngành tiến hành rà soát các chi phí hợp pháp đã thực hiện dự án để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.

Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho người dân, Sở GTVT TPHCM kiến nghị HĐND TP xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này bằng nguồn vốn ngân sách hơn 491 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm khoảng 168 tỉ đồng, gần 200 tỉ cho phần giải phóng mặt bằng; còn lại là phí dự phòng, quản lý dự án...

Nếu được thông qua, trong năm 2022, các đơn vị sẽ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; đến năm 2023 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và thanh toán các khoản chi phí đã thực hiện cho nhà đầu tư. Năm 2024, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công hoàn tất công trình vào năm 2025.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.