Quốc hội họp tổ về xây dựng luật:

Đề xuất sớm có Luật Biểu tình

TP - Thảo luận tại tổ chiều 21/5, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị Quốc hội sớm có Luật Biểu tình để thực hiện tốt quyền công dân.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBTPHCM) cho rằng, nhu cầu biểu tình của người dân thể hiện lòng yêu nước trước việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam như vừa qua rất lớn, rất chính đáng.

“Người dân biểu tình thể hiện thái độ bức xúc, cũng là thể hiện quyền con người đã được Hiến pháp quy định. Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa có khung pháp lý, cho nên vừa rồi trong xử lý tình huống có sự lúng túng” – Ông Nghĩa nói.

Cũng theo ĐB Nghĩa, không có khung pháp lý nên cơ quan chức năng rất khó khăn trong giải quyết những hành vi bạo động như vừa qua. Quốc hội nên bổ sung, sớm thông qua dự án Luật Biểu tình ngay trong nhiệm kỳ này. Liên Đoàn Luật sư, Hội Luật gia sẽ tham gia cùng cơ quan soạn thảo để sớm hoàn thành dự thảo. Luật biểu tình cần quy định rõ mục đích, điều kiện biểu tình, yêu cầu cụ thể như không được gây rối, xâm hại tài sản.

“Những e ngại Luật Biểu tình có thể gây ra tình trạng không kiểm soát được là không đúng. Chính thực tế hành vi quá khích vừa qua xảy ra chứng tỏ rằng không có luật thì biểu tình vẫn xảy ra và khi xảy ra chúng ta mới lúng túng” - vị luật sư phân tích.

Một số ĐB nhận xét Quốc hội vẫn làm luật theo kiểu gặp đâu làm đấy, Chính phủ trình sang như thế nào thì Quốc hội làm như thế, thiếu tính chủ động. “Việc lấy ý kiến nhân dân chưa được chú trọng, có tình trạng những luật cần thiết chậm được thông qua”- Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Còn theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), tỷ lệ luật sau khi ban hành đi vào cuộc sống rất ít. Ngoài yếu kém về trình độ có lẽ do quy trình làm luật hiện nay “hơi ngược”, thường bắt đầu từ cơ quan quản lý, khó tránh khỏi bị chi phối bởi lợi ích nhóm. “Nên nghiên cứu lại quy trình làm luật. Quy trình này nên bắt đầu từ Quốc hội” - ĐB An đề xuất.

ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) đánh giá: một số nội dung, quy định của luật chưa phù hợp thực tiễn. Tình trạng này khá phổ biến và đôi khi chúng ta xuất phát từ mong muốn, chủ trương mang tính chất hơi duy ý chí.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa nghiêm, chưa tự giác, thể hiện cụ thể nhất qua việc thực hiện Luật Giao thông, trong khi chúng ta lại thiếu các chế tài xử phạt hoặc chế tài chưa đủ nghiêm.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, Quốc hội cần chủ động xây dựng luật, ưu tiên những luật về cải cách tư pháp, thể chế, tái cấu trúc kinh tế, trên cơ sở Hiến pháp mới.

“Chúng ta tuyên truyền nhân dân thực hiện Hiến pháp nhưng tôi nghĩ chính Quốc hội phải làm gương trước. Hiến pháp có một chương riêng về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình, rất tiến bộ. Nếu những quy định này không được luật hóa thì sẽ chỉ là tiến bộ trên giấy”- ĐB Trần Du Lịch phát biểu.

Cũng trong chiều 21/5, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, một số ý kiến đại biểu lưu ý, cần quản lý chặt chẽ các loại máy bay siêu nhẹ.

MỚI - NÓNG