Đề xuất sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất giới hạn thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ.

Không quá 20 giờ trong 1 tuần

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc này nhằm bảo đảm quyền làm việc cho học sinh, sinh viên, đồng thời tăng cường quản lý, hỗ trợ và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động đối với nhóm đối tượng này.

Đối với tiền công của học sinh, sinh viên làm thêm được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.

Cùng với đó, khi tham gia việc làm bán thời gian, học sinh, sinh viên được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Đề xuất sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần ảnh 1

Học sinh, sinh viên làm thêm được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

Trên thực tế, quy định khống chế thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên và du học sinh đã được áp dụng tại nhiều quốc gia. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, sinh viên chỉ được làm thêm 20 giờ/tuần. Tại Nhật Bản, học sinh, sinh viên chỉ được phép làm thêm từ 28 tiếng/tuần trở xuống. Đối với các kỳ nghỉ sẽ được phép làm nhiều giờ hơn khi có sự cho phép từ phía trường học, thường lên tới 40 giờ/tuần. Còn tại Úc, từ 1/7/2023, nước này tăng thời gian trên cho học sinh, sinh viên lên 48 tiếng/2 tuần.

Lao động làm việc từ 1 - 3 tháng được tham gia BHTN

Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung nhóm lao động có thời hạn lao động ngắn hạn đủ từ 1 - 3 tháng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật Việc làm hiện nay chưa quy định đối tượng này tham gia BHTN, trong khi đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao.

Đề xuất sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần ảnh 2

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lao động làm việc đủ từ 1 - 3 tháng được tham gia BHTN

Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đưa ba nhóm lao động vào diện đóng BHTN, gồm: Người có giao kết hợp đồng xác định thời hạn từ một tháng trở lên; người làm việc không tròn thời gian mà có tổng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn lương đóng BHXH bắt buộc, thấp nhất bằng một nửa lương tối thiểu tháng vùng I; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hưởng tiền lương.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.