Sáng nay, 28/10, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật, công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ tại chỗ, cơ động, dân quân tự vệ biển, phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 4 năm; dân quân thường trực là 2 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác quốc phòng của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ kéo dài nhưng không quá 2 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ cho phù hợp với dự kiến nâng độ tuổi nghỉ hưu tại dự thảo Bộ luật Lao động vì nhiều địa phương hoặc cơ quan, tổ chức không đủ người tổ chức đơn vị dân quân tự vệ; một số ý kiến khác đề nghị giảm độ tuổi và thời hạn tham gia dân quân tự vệ.
Ông Việt cho rằng, quy định độ tuổi tham gia dân quân tự vệ cơ bản kế thừa Luật Dân quân tự vệ hiện hành, đã thực hiện ổn định, để bảo đảm cho dân quân tự vệ có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Việt, trên thực tế, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia dân quân tự vệ. Việc cơ quan, tổ chức tuyển dụng công dân cũng là nguồn tuyển chọn vào tự vệ.
Mặt khác, dự thảo Luật quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nhằm khắc phục tình trạng ở một số địa phương, cơ quan tổ chức thiếu người để tổ chức đơn vị dân quân tự vệ; đồng thời tạo điều kiện, thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong dân quân tự vệ biển và giữ các chức vụ chỉ huy đơn vị.
Ông Việt cũng cho biết, nhu cầu tuyển chọn công dân vào dân quân tự vệ không lớn (chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi); nếu tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ lên 5 năm và kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ này đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quốc phòng, quân sự của dân quân tự vệ, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) đồng tình với quy định điều chỉnh độ tuổi cao hơn như trong dự thảo luật để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
ĐB Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) đề nghị cần mở rộng hơn thời gian tham gia, nếu sau khi hoàn thành nghĩa vụ xong mà các công dân này có nhu cầu tâm huyết phục vụ trong lực lượng dân quân tự vệ thì nên tạo điều kiện để bổ sung lực lượng.
“Thực tế ở một số địa phương hiện nay, trong các gia đình đa phần còn người già và trẻ em. Người trẻ đã đi lao động làm ăn xa để mưu sinh dẫn đến thiếu nguồn lực dân quân tự vệ ở các khu vực này, cho nên việc khuyến khích kéo dài tuổi tham gia đối với lực lượng này hết sức quan trọng”, ông Mão nói.