Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long quan ngại, virus đã biến đổi, có chủng độc lực mạnh hơn.
Đến nay mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ dịch bệnh vào nước ta rất cao. Ông Long nhận định, nếu làm tốt công tác phòng dịch ở cửa khẩu, quyết liệt ngăn chặn cúm gia cầm vào Việt Nam qua đường nhập lậu thì sẽ không có dịch bệnh trên người.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, mặc dù có sự biến đổi về gene của chủng virus nhưng qua đặc điểm dịch tễ cho thấy, phần lớn những người nhiễm bệnh đều có tiếp xúc với gia cầm ốm và chết.
Nên WHO kết luận nguy cơ lây lan từ người sang người rất thấp. WHO khuyến cáo cần cung cấp thông tin cho khách du lịch đến vùng có dịch về triệu chứng của H7N9, đồng thời cảnh báo người dân, đặc biệt những người ở khu vực biên giới thực hiện các biện pháp vệ sinh, tuân thủ tiêu thụ gia cầm tránh để bị nhiễm bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chỉ đạo các bệnh viện từ trung ương đến tỉnh, huyện sẵn sàng nhân lực và vật tư để tiếp nhận người bệnh nếu dịch xảy ra, đồng thời có phương án đối phó với mọi tình huống.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao hơn, để có thái độ ứng xử phù hợp. Theo đó, có thể áp dụng trở lại tờ khai y tế tại cửa khẩu, nhất là với những khách đến từ Trung Quốc.
Công tác giám sát và diễn tập cũng được đề nghị tăng cường tại các địa phương. Ông Long nhận định, dịch cúm H7N9, cứ 10 người mắc thì có 3 người tử vong là một tỷ lệ rất cao.