Đề xuất lập Ủy ban về an toàn thực phẩm

Dù liên tục thanh tra, kiểm tra nhưng tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn ra nhiều.
Dù liên tục thanh tra, kiểm tra nhưng tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn ra nhiều.
TP - Theo ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố Hà Nội), những tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) còn nhiều, nhất là lực lượng kiểm tra, giám sát mỏng; quản lý còn chồng chéo, chưa rõ ràng; chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa có tính răn đe. 

Theo kết quả giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2011-2016 của Ban Văn hóa - Xã hội, từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế đã kiểm tra 4.982 lượt cơ sở, phát hiện 1.177 lượt cơ sở vi phạm, 975 cơ sở vi phạm bị xử lý. Số cơ sở ngành nông nghiệp đã thanh tra, kiểm tra từ năm 2011 đến nay là 45.928 lượt cơ sở, phát hiện 6.574 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 14,3%).

Trong năm 2016, có tới 1.440 đoàn thanh, kiểm tra được thành lập, 77.388 lượt cơ sở được kiểm tra. Bên cạnh đó, số cơ sở được phát hiện vi phạm ATTP  lớn nhất từ trước đến nay với 12.371 cơ sở, 4.100 cơ sở bị phạt tiền và số tiền phạt cũng kỷ lục là  22,6 tỷ đồng. Các đoàn thanh, kiểm tra đã chuyển xử lý hình sự 3 vụ, xử lý hàng nghìn sản phẩm không đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã thực hiện giám sát các mẫu nông lâm thủy sản có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản...

Mạnh tay xử lý vi phạm

Lý giải nguyên nhân của việc có hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng số vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ, các sở chuyên ngành (Y tế, NN&PTNT và Công Thương) cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP còn thiếu, chưa đồng bộ, xảy ra chồng chéo, mẫu thuẫn, hoặc bỏ sót một số lĩnh vực gây khó khăn cho biệc áp dụng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn hạn chế, trong khi khối lượng công việc đòi hỏi đáp ứng ngày càng cao. Việc xử lý vi phạm về mất ATTP tuyến cơ sở còn chưa kiên quyết, chủ yếu chỉ nhắc nhở.

Theo ông Trần Thế Cương, trước thực trạng trên đoàn giám sát đã kiến nghị với UBND thành phố, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt các biện pháp trong thời gian tới. Đơn cử, kiến nghị xây dựng khu chăn nuôi, giết mổ tập trung theo quy hoạch, từng bước chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh theo quy định. Xử lý tình trạng các chợ cóc, chợ tạm bán các thực phẩm không rõ nguồn gốc; tập trung thực hiện và hoàn thành xây dựng các chợ đầu mối theo quy hoạch. Đặc biệt nghiên cứu thành lập Ủy ban về ATTP của thành phố Hà Nội. “Về mô hình hoạt động của ủy ban này sẽ được các ngành nghiên cứu xem xét nhưng trên tinh thần là một cơ quan điều phối, tập hợp các đầu mối của các sở ngành trong lĩnh vực ATTP”, vị cán bộ Ban Văn hóa - Xã hội nói.

Đối với các sở, ngành chức năng, đoàn giám sát yêu cầu phải có chế tài xử phạt thật nặng, nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những đơn vị, cá nhân sản xuất không đảm bảo vệ sinh, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. 

MỚI - NÓNG