Đề xuất gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cứu cá tra

Đề xuất gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cứu cá tra
TP - Trước tình trạng kiệt sức của người nuôi và doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra, Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ gói tín dụng cấp bách khoảng 9.000 tỷ đồng để cứu ngành này.

> Sẽ có gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng

DN trả tiền cá qua ngân hàng

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, hiện cả DN và người nuôi đang mất niềm tin với ngân hàng (NH) sau vụ vỡ nợ Cty thủy sản Bình An.

“Như mọi năm, NH với DN, và DN với người nuôi không vấn đề gì lớn về vốn, chỉ cần tháo gỡ phần lãi suất, cơ cấu lại nợ thì có thể giải quyết được. Nhưng sau vụ Cty thủy sản Bình An vỡ nợ, thì lòng tin của NH, người nuôi với DN chế biến cũng vỡ theo.

Người nuôi thì đòi DN phải thanh toán tiền cá bằng tiền mặt ngay. Còn NH, thấy DN vay vốn cho ngắn hạn, nhưng về lại đầu tư cho trung, dài hạn; nên lòng tin của họ với DN mất niềm tin, sự liên kết này bị chặt đứt”- ông Tám nói.

Theo ông Tám, trong chính sách mà bộ đã trình Chính phủ, sẽ tập trung hỗ trợ người nuôi, DN chế biến tiêu thụ khoảng 800 nghìn tấn cá tra nguyên liệu đến hết năm 2012.

Theo đó, đối với hộ nuôi độc lập, không có sự liên kết với DN (khoảng 400 nghìn tấn cá), bộ đề nghị hỗ trợ các hộ này tiếp cận được vốn vay như NH công bố.

Mặt khác, có gói riêng lãi suất thấp hơn, để hỗ trợ người dân, để duy trì đàn cá mới thả nuôi.

Dự kiến khoảng 60% trong số này được tiếp cận vốn vay, khoảng 5.400 tỷ đồng. Đối tượng nuôi nhỏ được đề xuất áp dụng ưu đãi 0,65%/tháng (bù lãi suất hơn 190 tỷ đồng), vay trong 6 tháng.

Đối tượng thứ hai được vay là DN mua cá tra nguyên liệu các hộ nuôi, mà DN liên kết, ký hợp đồng. Bộ đề xuất, hỗ trợ DN vay NH, nhưng phải nhờ NH thanh toán tiền trực tiếp cho các hộ dân, chứ không cho DN vay, rồi mới trả cho dân.

Gói này cấp khoảng 1.440 tỷ đồng, DN được vay kỳ hạn 4 tháng. Tiếp đó là DN có vùng nuôi riêng, với khoản tín dụng 2.160 tỷ đồng, kỳ hạn vay 6 tháng.

Đề xuất mua tạm trữ 100 nghìn tấn

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện các địa phương đang đề xuất cần phải tạm trữ cá tra, và việc này Vasep cũng đang nghiên cứu.

“Nếu có một chính sách tạm trữ kịp thời, khả năng làm cho giá cá tra dễ phục hồi hơn khi thị trường đang yếu. Thời điểm này đúng vào kỳ nghỉ hè ở các thị trường châu Âu, Mỹ, mức tiêu thụ giảm, các DN nước ngoài lấy cớ để ép giá cá của ta. Việc tạm trữ khoảng 100 nghìn tấn cá nguyên liệu, cho chu kỳ một tháng sản xuất”-ông Hòe nói.

Theo ông Hòe, việc hỗ trợ vốn mua tạm trữ cần có chính sách cụ thể, thời gian 3-4 tháng, lãi suất 0%, mới có tác dụng.

Ông Hòe cũng cho biết, các DN cũng đang bàn về việc cần phải có giá sàn thu mua nguyên liệu, cũng như xuất khẩu, để giúp ngành cá tra ổn định hơn. Tuy nhiên, hiện vấn đề giá sàn mới đang bàn, chưa thống nhất cách tính.

Về việc mua tạm trữ cá tra, ông Vũ Văn Tám cho biết: Nếu Vasep đề xuất tạm trữ, phải điều tra xem tồn đọng cá thế nào. Hiện Tổng cục chưa có số liệu về lượng cá tra tồn đọng, cũng như chưa nhận được đề xuất cụ thể của Vasep.

“Nếu nhận được, chúng tôi cũng sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xem đề xuất sát thực đến đâu, rồi sẽ có ý kiến cụ thể” –ông Tam nói.

Theo ông Tám, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ, xin phép xây dựng lại Nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, trong đó có quy định về giá sàn. Tuy nhiên, dù thế nào cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường, và quy định quốc tế.

Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hiện diện tích nuôi cá tra cả nước gần 4.200 ha. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng cá tra đã thu hoạch đạt trên 500 nghìn tấn. Từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 800 nghìn tấn cá tra cần phải tiêu thụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG