TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nhận định, tuy tình hình bên ngoài có cải thiện, nhưng nội tại nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn. Trong khi bên ngoài không kiểm soát được, thì thay đổi, cải cách bên trong chính là yếu tố quyết định để thúc đẩy tăng trưởng.
“Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam thì mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi”, ông Cung nói.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt nhiều khó khăn. Ảnh: Như Ý. |
Vị chuyên gia đề xuất gỡ ngay 2 "điểm nóng" đang làm khó khăn của doanh nghiệp thêm trầm trọng, là hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và vấn đề phòng cháy chữa cháy.
Ông Cung cho rằng, các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ lên rất cao. Dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vấn đề này vẫn không thay đổi. “Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, ông Cung nói.
Trong lúc doanh nghiệp thiếu vốn, nền kinh tế đang cần kích cầu, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định chính sách tài khóa sẽ phát huy tác dụng tốt hơn chính sách tiền tệ. Vì vậy, ông đề xuất sớm thực hiện hoàn lại thuế cho doanh nghiệp, nghiên cứu kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). “Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kiến nghị.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM - nhận định, dù kinh tế đã có chuyển biến, nhưng còn nhiều khó khăn, cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động. Các cơ quan quản lý cần mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đang “bơi” trong dòng xoáy khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng.
Theo ông Phương, các thách thức lớn hiện nay của doanh nghiệp là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn.
Tuy nhiên, điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Để thúc đẩy tăng trưởng, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Tại diễn đàn, đại diện CIEM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm nay. Trong đó kịch bản lạc quan nhất tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra, ước đạt 6,46%. Hai kịch bản còn lại dự báo tăng trưởng GDP lần lượt là 5,34% và 5,72%.