Đề xuất đưa “Chí Phèo” khỏi SGK: NSƯT Bùi Cường, Đức Lưu kịch liệt phản đối

Cảnh Thị Nở nấu cháo hành cho Chí Phèo trong phim của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Ảnh: TL
Cảnh Thị Nở nấu cháo hành cho Chí Phèo trong phim của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Ảnh: TL
Cả hai diễn viên thủ vai Chí Phèo và Thị Nở đều phản đối đưa "Chí Phèo" ra khỏi SGK.

Bỏ tác phẩm ra khỏi sách giáo khoa là thiếu tôn trọng đối với nhà văn Nam Cao

Tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao được xem là một tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8.1945. Tác phẩm này đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 11 nhiều năm qua. Tuy nhiên, mới đây, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền - Trường ĐH Newcastle (Australia) lại đề xuất nên loại bỏ tác phẩm này để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền nêu quan điểm, tác phẩm “Chí Phèo” có thể thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, tác phẩm này không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục mà ngược lại có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh.

Đề xuất này đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn lẫn người yêu văn học. Bản thân NSƯT Bùi Cường - người đóng vai Chí Phèo và NSƯT Đức Lưu - người đóng vai Thị Nở trong tác phẩm điện ảnh “Làng Vũ Đại ngày ấy” do đạo diễn Phạm Văn Khoa thực hiện năm 1982 cũng không đồng tình với đề xuất này.

NSƯT Bùi Cường cho rằng, nhà văn Nam Cao là một nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực trước Cách mạng. Ông đồng thời cũng là một nhà báo, một chiến sĩ đã hy sinh trong kháng chiến. Vì thế, thế hệ sau cần có một sự nhìn nhận chuẩn xác và tôn trọng đối với những đóng góp của ông cho nền văn học, cho cách mạng.

“Xét về mặt con người, nếu bỏ tác phẩm của ông ra khỏi chương trình giảng dạy ở trường phổ thông là một sự thiếu tôn trọng đối với một nhà văn - chiến sĩ. Đó là chưa kể đến, tác phẩm “Chí Phèo” là một tác phẩm văn học xuất sắc của nền văn học hiện thực trước Cách mạng tháng 8.1945, đồng thời cũng là tác phẩm chứa đựng những giá trị văn học và ý nghĩa nhân văn sâu sắc”, NSƯT Bùi Cường nhấn mạnh.

NSƯT Bùi Cường chia sẻ, thời kỳ ông còn học khóa 2 lớp diễn viên của trường Điện ảnh, ông không bao giờ nghĩ mình sẽ được mời đóng Chí Phèo. Vì thế, khi đạo diễn Phạm Văn Khoa chọn ông đóng vai này với lí do “có gương mặt hiền lành, dáng người khỏe mạnh, lực điền…” ông đã phải tìm hiểu rất kỹ về nhân vật và tác phẩm này. Ông thấy rằng, Chí Phèo là một người nông dân tiêu biểu của bức tranh xã hội thời bấy giờ. Nhân vật này vì bị đẩy đến đường cùng mà trở nên tha hóa và có những phản kháng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong sâu thẳm con người, Chí Phèo vẫn luôn hướng thiện. Bằng chứng là nhân vật này luôn tìm cách ăn vạ Bá Kiến (đại diện tầng lớp áp bức) chứ chưa bao giờ làm hại những người lao động cùng tầng lớp với anh. Anh cũng luôn trỗi dậy những khát khao yêu thương và hướng thiện.

“Tư tưởng của tác phẩm này sâu sắc và ý nghĩa vô cùng. Chí Phèo dù bên ngoài là một nhân vật bị bần cùng hóa nhưng thực ra anh ta lại chứa đựng những khát khao rất con người. Khi nhận ra mình không thể trở thành người lương thiện, tức là tay đã trót nhúng chàm rồi… anh ta đã tự kết liễu đời mình, nghĩa là chỉ có cái chết mới giúp anh ta được là chính mình. Hành động đó cho thấy anh ta có những suy nghĩ rất nhân bản chứ không đơn giản là một tên Chí Phèo chuyên “rạch mặt, ăn vạ”. Khi tìm hiểu tác phẩm, cứ đọc đến chi tiết này là tôi lại ứa nước mắt. Cho nên, không thể nói là tác phẩm văn học này không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục.

Về kỹ thuật viết, tôi thấy ngòi bút của nhà văn Nam Cao trong tác phẩm này rất tài năng. Cách ông xây dựng nhân vật cũng như cách truyền đạt tư tưởng rất đặc biệt. Vì thế tôi hoàn toàn phản đối ý kiến đưa tác phẩm văn học này ra khỏi chương trình giảng dạy phổ thông”, NSƯT Bùi Cường nói thêm.

Nam nghệ sĩ cũng cho rằng, trong sự nghiệp diễn xuất của mình, nhân vật Chí Phèo không chỉ mang đến cho ông nhiều thành công nhất mà còn là nhân vật gieo vào lòng ông nhiều thương cảm nhất.

Tác phẩm là bức tranh chân thực về xã hội đương thời

NSƯT Đức Lưu cũng hết sức phản đối ý kiến này. Theo nữ nghệ sĩ này thì tác phẩm “Chí Phèo” không chỉ vẽ nên một bức tranh chân thực về xã hội đương thời mà còn xây dựng nên những nhân vật điển hình của người nông dân bị bần cùng hoá.

“Không phải bỗng dưng “Chí Phèo” trở thành một tác phẩm tiêu biểu của nền văn học hiện thực trước Cách mạng và nhân vật Chí Phèo đi vào đời sống một cách rất mãnh liệt. Rõ ràng, Chí Phèo cũng như Thị Nở là những người nông dân thuần phác bị bần cùng hóa nhưng trong sâu thẳm tâm thức họ đều có những “mầm thiện” và mong ước có cuộc sống bình thường… Chính tác phẩm của Nam Cao đã hiểu sâu sắc số phận của những người nông dân và nhân vật Chí Phèo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ thúc đẩy người dân vùng lên để giành quyền sống. Tư tưởng này cũng góp phần để có cuộc Cách mạng tháng 8.1945”, NSƯT Đức Lưu chia sẻ thêm.

Đề xuất đưa “Chí Phèo” khỏi SGK: NSƯT Bùi Cường, Đức Lưu kịch liệt phản đối ảnh 1

Nghệ sĩ Đức Lưu kịch liệt phản đối ý kiến đưa tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình giảng dạy. Ảnh: NVCC.

Đề cập đến nhân vật Thị Nở, NSƯT Đức Lưu nhấn mạnh rằng, dù bên ngoài đây là một nhân vật “xấu xí, khùng khùng, điên điên”… nhưng lại chất chứa những tính cách rất con người. Cụ thể, nhờ tình yêu của Thị Nở mà Chí Phèo đã thức tỉnh, đã nhận ra điều phải trái và muốn trở lại làm người lương thiện. Chi tiết bát cháo hành khiến ai đọc cũng cảm động bởi đó là bát cháo của tình yêu thương.

Nghệ sĩ Đức Lưu cũng cho rằng, nhân vật Thị Nở trong tác phẩm của Nam Cao đã có sức lay động rất ghê gớm khi được người nghệ sĩ nhào nặn thành một nhân vật điện ảnh. Bà kể, bộ phim sau khi được công chiếu rộng rãi, rất nhiều người lao động nghèo khổ, những người bán hàng, những “cô gái bán hoa”, những anh xe thồ… ở khu vực chợ Bắc Qua (Sau chợ Đồng Xuân) khi gặp bà đã lại gần nắm tay, muốn ôm bà để xem nhân vật Thị Nở ngoài đời như thế nào. Họ cho rằng, nhân vật Thị Nở trong tác phẩm của Nam Cao và n trên phim ảnh là tiếng lòng của những người cùng khổ. Chính nhân vật này đã nói hộ những suy nghĩ cũng như phản ánh đúng cảnh ngộ mà họ đã đang trải qua. Nhờ tác phẩm văn học và điện ảnh này mà họ thấy được giá trị làm người của họ.

Theo nữ nghệ sĩ, cảm nhận tác phẩm không được tách rời các nhân vật ra khỏi bối cảnh xã hội hình thành nên tác phẩm. Những nhân vật Lão Hạc, thầy giáo Thứ, Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở… do Nam Cao sáng tạo nên đã quyện chặt vào nhau để phản ánh một cách chân thực bức tranh xã hội và là yếu tố đưa đến cho tác phẩm những giá trị tiêu biểu của thời đại.

Sau khi phim phát sóng, nghệ sĩ Đức Lưu đã từng nhiều năm được các trường phổ thông mời đến nói chuyện với học sinh về tác phẩm văn học và các nhân vật trên phim. Qua những lần như thế, bà cảm nhận các thế hệ học sinh thẩm thấu tác phẩm văn học này rất mạnh mẽ và sâu sắc.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG