Tiến sĩ văn học: Không chấp nhận bỏ “Chí Phèo” khỏi sách giáo khoa

Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết
Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết
TPO - Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, bà tôn trọng khác biệt và quyền đưa ra quan điểm riêng nhưng việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận.

Trước đề xuất của Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.  TS Văn học Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh, bà không đồng tình với ý kiến loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn. “Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận”- TS Thu Tuyết khẳng định.

Truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại, bỏ đi rất tiếc? 

Vị TS Văn học này khẳng định, đây là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 30-45 và truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kì tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó.

Đánh giá chung về lập luận phân tích trong bài viết nêu ý kiến loại bỏ tác phẩm, TS Tuyết cho rằng rất nhiều chỗ cách nhìn nhận của tác giả không liên quan gì đến văn chương.

Bà Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn của trường THPT Hoài Đức A cũng nhìn nhận: Tác phẩm Chí Phèo là tác phẩm văn học và quan điểm sáng tác của chính tác giả Nam Cao đã là nghệ thuật là phải hư cấu. Vì thế, nếu xét ở thời đại để căn cứ vào pháp luật để phản ánh hình tượng thì chắc chắn có những “vênh lệch”.

“Tôi vẫn nghĩ sáng tác của Nam Cao vẫn có ý nghĩa”- bà Thủy khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo bà Thủy, với cách nhìn của học sinh hiện đại sẽ soi vào tác phẩm và thấy những “hạn chế” như lập luận của tác giả Song Hiền. 

Bà Thủy đồng ý là không “cãi” được tác giả đề xuất này ở 2 ý: Thị Nở bị Chí Phèo cưỡng bức và việc Chí Phèo giết Bá Kiến. Bởi vì, tư duy của học sinh hiện đại khi tìm hiểu tác phẩm sẽ soi luôn ở góc nhìn mang tính lý tính như thế.

“Chí Phèo là tác phẩm hay và khi dạy giáo viên vẫn để cho học sinh thấu hiểu được bản chất nhân văn của tác phẩm qua chi tiết đấy của tác giả”- cô Thủy nhấn mạnh.

Lập luận của tác giả thiếu logic?

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ThS. Nguyễn Song Hiền (nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục - Trường ĐH Newcastle, Australia), người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” khỏi chương trình SGK Ngữ văn lớp 11 tin rằng nếu đứng trên quan điểm giáo dục sự loại bỏ tác phẩm này ra khỏi chương trình là hoàn toàn hợp lý.

Cũng theo ông Song Hiền, một số người cho rằn g ôngđã lệch lạc về tư tưởng khi đưa ra quan điểm trái chiều với nhiều quan điểm của số đông.

"Nhưng tôi tin rằng nền giáo dục thật sự dân chủ là nền giáo dục phải hướng tới sự khai phóng tự do cá nhân bao gồm cả sự khai phóng về mặt tư duy.

Tôi tin rằng nếu đứng trên quan điểm giáo dục sự loại bỏ tác phẩm này ra khỏi chương trình SGK 11 là hoàn toàn hợp lý. Nếu để nguyên tác phẩm này, mặc nhiên nó đang ca ngợi Chí, ủng hộ Chí, bảo vệ Chí đó củng là ủng hộ, bảo vệ và cổ xuý những hành vi thú tính và sai trái của Chí”- nghiên cứu sinh này cho biết.

TS Trịnh Thu Tuyết nhận định, việc khẳng định Chí Phèo không phải đại diện cho những người nông dân với lý do "mang tiếng cho nông dân mình quá. Chẳng lẽ nông dân mình chỉ toàn là con rơi?" như lập luận của người đề xuất này quả là một sự quy nạp, thiếu logic. 

“Bởi trong văn học, một đặc điểm riêng nào đó trong cuộc đời, tâm lý, tính cách... của một cá thể không nhất thiết xuất hiện trong tất cả tầng lớp họ đại diện"- TS Thu Tuyết cho hay.

Người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” cho rằng: "Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán,…

TS Tuyết cho rằng, đoạn văn bản trên không liên quan gì đến văn chương mà na ná lời tuyên án của công tố viên. Không không ai cảm văn, đọc văn theo cách đó. “Phải đặt vào tác phẩm mới thấy lúc đầu, Chí Phèo đến với Thị Nở bằng bản năng sinh vật của một gã đàn ông say rượu, bằng tính cách du côn của một thằng lưu manh vừa ăn cướp, vừa la  làng”- TS Tuyết phân tích.

Tác giả đề xuất bỏ tác phẩm viết: “Ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá”. 

TS Tuyết cho rằng, phải lưu ý mấy chi tiết để hiểu rõ hơn. Đó là sau khi Thị Nở bỏ đi, Chí lôi rượu ra uống, nhưng càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng đau đớn cho bi kịch cùng đường tuyệt lộ.

Và sau đó, Chí cầm dao đi với ý định trả thù hai cô cháu Thị Nở, nhưng rồi "quên" không rẽ vào nhà Thị Nở mà đi thẳng tới nhà Bá Kiến. Có thể thấy, Chí Phèo đã làm theo sự mách bảo sâu xa trong tiềm thức, đó là nỗi căm hờn với kẻ thù độc ác nhất trong cuộc đời mình. Không ai cổ suý cho hành động này, nhưng cũng không ai cho rằng đó chỉ là hành vi của một kẻ côn đồ say rượu.

“Cần trân trọng những giá trị văn hoá đích thực. Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương”, TS. Trịnh Thu Tuyết kết luận.

Bà Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy văn trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) ch rằng, bài viết của tác giả Sóng Hiền thể hiện một góc nhìn khác của cá nhân người viết là rất đáng trân trọng nhưng đề xuất loại khỏi chương trình là chưa thuyết phục.

Như chi tiết anh Sóng Hiền đưa ra là Chí Phèo hiếp Thị Nở, nhìn ở góc độ xã hội học thì là vi phạm pháp luật, thế nhưng trong tình tiết đó, Chí đã được sự đồng thuận của Thị Nở và nhờ có Chí, hai con người ở đáy xã hội mới biết thế nào là tình yêu. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn, cái hay của tác phẩm.

“Tuy nhiên, giáo viên vẫn có cách để lí giải học sinh hiểu được tác phẩm văn học ra đời bao giờ cũng phải căn cứ vào hoàn cảnh ra đời, bối cảnh văn hóa và quan điểm, tư tưởng sáng tác, chứ không phải cho tác phẩm đó đứng độc lập và mang tư tưởng thời đại để tìm hiểu."- bà Thủy khẳng định.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.