Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, để chuẩn bị cho các cuộc họp bàn những quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới, Ủy ban chủ trì tổ chức hội thảo Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới vào 25/12 tại Nghệ An. Đây là căn cứ để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành các nhóm giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ sẽ tham dự cuộc hội thảo có ý nghĩa này. Các đại biểu, cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế sẽ trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến du lịch; chỉ rõ những cơ hội và thách thức đặt ra trong giai đoạn hiện nay; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Ban tổ chức nhận được hơn 80 tham luận, đặt hàng báo cáo trung tâm Tác động của dịch COVID-19; thực trạng và giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam 2022-2023 do chuyên gia cao cấp TS Cấn Văn Lực thực hiện.
Hội thảo gồm phiên chuyên đề và phiên toàn thể. Ở phiên chuyên đề sáng 25/12, các đại biểu tập trung bàn các giải pháp về chính sách, đáng chú ý có báo cáo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch. Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, BTC mời các đại diện Tổ chức Lữ hành thế giới, Tổ chức Du lịch thế giới chia sẻ bài học kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng COVID-19. Ở phiên toàn thể chiều 25/12, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ tiếp tục lắng nghe các đại biểu thảo luận quanh câu chuyện phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt.
“Chúng ta có nhiều câu chuyện để bàn thảo. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp du lịch, hàng không, vận tải đều lên tiếng rằng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước đó chỉ phần nào giúp họ không chết, sắp tới chỉ cần được mở cửa là doanh nghiệp sẽ sống”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói. Ông nêu thực trạng, phần lớn doanh nghiệp vừa qua tự gom khách, chật vật xây dựng sản phẩm mới sau tác động lớn của đại dịch. Chính vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD kỳ vọng, hội thảo thu được các đề xuất cụ thể, đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ du lịch phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Các giải pháp này xoay quanh chủ trương mở cửa du lịch an toàn, ứng dụng chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm mới.
Bốn trụ cột phục hồi du lịch
TS. Cấn Văn Lực nêu trong báo cáo trung tâm rằng, để sớm đưa ngành du lịch phục hồi, phát triển xứng đáng vai trò ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, các giải pháp cần nghiên cứu, xây dựng theo hai bước: ngắn hạn nên tập trung cho quá trình phục hồi sau đại dịch, dài hạn tập trung cho các giải pháp khắc phục các tồn tại hạn chế và phát triển ổn định, bền vững.
Giải pháp ngắn hạn chính là khắc phục hậu quả, phục hồi sau đại dịch với bốn trụ cột: Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới; Kiểm soát dịch bệnh và thích ứng an toàn, hoàn thiện và ban hành Chương trình phòng, chống dịch trong điều kiện mới; Triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023, trong đó cần quan tâm ưu tiên cụ thể hơn đối với ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan; Khuyến khích phục hồi du lịch nội địa trước ngay dịp Tết và đầu năm 2022, và có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn.